Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

           

Bài 1:

Sơ lược về quá trình phát triển của Bùi Tộc Vĩnh trinh

Bài 2:

Lịch sử kiến tạo và tái thiết Từ đường Bùi Tộc ở Vĩnh Trinh và
xây dựng chi nhánh Từ đường tại TP. HCM

Bài 3:

Hoài niệm Tổ tiên (Cố GS Bùi Tấn)

 

                     

 

LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

CỦA BÙI TỘC VĨNH TRINH

 

Hòa mình trong cuộc Nam tiến vĩ đại của Dân tộc, vào cuối thế kỷ XV, dưới đời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), Tiền nhân của Bùi Tộc chúng ta đã di cư từ Hoan Châu (Nghệ An) và cùng Tiền nhân của Đào tộc vào khai phá và sáng lập ra xã hiệu Bình Khương tức là làng Vĩnh Trinh, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

 

Ngài Tiền Hiền, Đệ Nhất thế tổ, BÙI Đại lang húy TẤN DIÊN và Ngài Đệ Nhị thế tổ Cai phủ Khánh Sơn hầu BÙI Quý công húy TẤN TRƯỜNG đã cùng Quý Ngài đồng thời của các thôn tộc khác khai khẩn và phân ranh giới của vùng Lục thôn tức là 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù Bàn và An Lâm sau này.

 

Ngài Đệ Nhị thế tổ cũng đã tham gia đắc lực vào việc cấu tạo Đình Châu, đình công cộng của Lục thôn. (1)

 

Sau Ngài Đệ Tam thế tổ húy BÙI TẤN MIÊN - từng tiếp tục sự nghiệp của hai Ngài trên - Phổ hệ còn ghi lại một số vị như các Ngài Xá sai ty Lữ tài nam Bùi Quý công – có trưởng nam là Ngài BÙI TẤN QUÝ -, Ứng xá ty BÙI TẤN THẮNG, Thủ khoán BÙI TẤN MẪN.

 

Từ Ngài Đệ Thập thế tổ húy BÙI TẤN HIỆU và 3 Ngài Đệ Thập nhất thế tổ húy: BÙI TẤN TRỪNG, BÙI VĂN TOẢN, BÙI TẤN CAO, thì sự sinh hoạt đã điều hòa và bắt đầu phát triển.

 

Đến đời các Ngài Đệ Thập nhị thế tổ húy BÙI VĂN BẢNG (2), BÙI VĂN CANG, BÙI VĂN LỘC, BÙI TẤN QUỲNH, BÙI TẤN NGA, thì cơ nghiệp thêm phần vững mạnh.

 

Sang Đệ Thập tam thế, với các Ngài BÙI VĂN KIẾT, Tú tài BÙI VĂN THỈ (3), BÙI VĂN VIÊN, BÙI VĂN CHÁP, BÙI VĂN CHUA, BÙI ĐẠT, BÙI VĂN THÔNG, BÙI VĂN DOÃN, thì sự phân định làm 5 Phái đã được hình thành (4).

 

Đến Đệ Thập tứ thế, chúng ta có các Ngài BÙI THÂN (Ô. Quản Nghi – (5)), BÙI VĂN PHÁN (Ô. Thủ Quỵ), BÙI VĂN LẬP (Ô. Bá Đinh), BÙI HOẰNG NGHỊ (Ô. Bá Soạn), BÙI VĂN HẢO (Ô. Bà Hành), BÙI VĂN HỘI (Ô. Bá Ứng), BÙI VĂN CHUẨN (Ô. Hương Hướng), BÙI VĂN XƯỚNG (Ô. Trùm Độ), BÙI VĂN TIẾT (Ô. Thủ Sáu), BÙI VĂN NGHĨA (Ô. Hương Lý), BÙI VĂN MẸO (Ô. Xã Thiều), BÙI VĂN ĐÁNG (Ô. Trùm Đắng), BÙI VĂN THANH (Ô. Thủ Dụng), BÙI HỢI (Ô. Trùm Hợi), BÙI VĂN QUYỀN, BÙI VĂN LIÊU, BÙI VĂN CHIẾN, BÙI VĂN PHÁT, BÙI DIỆM và BÙI VĂN HỀ (Ô. Trùm Thuần). Ngài BÙI THÂN là một ngôi sao sáng của Tộc được nhiều người biết đến không những vì sản nghiệp đồ sộ mà còn vì các công trình xã hội và từ thiện của Ngài. Từ Đệ Thập tứ thế, Bùi gia đã nổi tiếng “của  nhiều người đông”, các huyện trong tỉnh đều biết.

 

Đến Đệ Thập ngũ thế, việc quy tụ ở Vĩnh Trinh không còn thích hợp với nhu cầu phát triển, nên nhiều vị đã rời nguyên quán sang lập nghiệp tại các phủ huyện khác như: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, v.v… để quản trị và khuếch trương các cơ sở mà Ngài Bùi Thân đã gầy dựng được.

 

Đặc biệt trong Đệ Thập ngũ thế, có Ô. BÙI TÚC (Ô. Bá Huynh) là vị tiêu biểu nhất cho nếp sống Nho phong và 2 ông BÙI HỮU CHÍ (Ô. Huyện Chí) và BÙI GIÁC (Ô. Tú Ba) đã đổ Cử nhân và Tú tài Hán học.

 

“Một cây cù mộc, một sân quế hòe”. Đến Đệ Thập lục, Thập nhất, Thập bát, số anh chị em con cháu nội ngoại trong 5 Phái lên đến mấy trăm người. Lúc này nền Cựu học bắt đầu nhường chỗ cho Tân học. Để theo kịp trào lưu học thuật mới du nhập từ Tây phương, nhiều anh em, con cháu trong các thế hệ này đã vượt qua các bậc Tiểu học và Trung học. Một số đã có những đóng góp đáng kể trong lãnh vực thi văn, báo chí (6) (như Quý ông Bùi Thế Mỹ, Bùi Giáng…). Một số đã tiếp tục Đại học hoặc xuất dương du học (7) (Bùi Kiến Tín tốt nghiệp tại Pháp năm 1940). Từ khoảng vài ba mươi năm gần đây, một số khá đông thuộc các lớp trẻ ở trong cũng như ngoài nước đã đạt được các cấp bằng chuyên môn thuộc mọi lĩnh vực như: Y học, Dương học, Khoa học, Kỹ thuật, Giáo dục, Kinh tế, Thương mại v.v…

 

Song song với phương diện văn hóa, lãnh vực võ nghệ trước đây cũng được một số bà con hâm mộ. Và phần nhiều những người gia công luyện tập đều khá nổi tiếng (8) (như Quý ông Bùi Cẩn, Bùi Lãm thuộc thế thứ 15 và Ô. Bùi Hý thế thứ 16 vô địch tỉnh Quảng Nam nhiều năm liền).

 

Nhằm mục đích phát huy tinh thần Gia Tộc, một hội tương tế lấy tên Bùi gia Vĩnh thế đã được thành lập từ năm 1968.

 

Để bảo tồn di tích của Tiền nhân – sau nhiều năm chinh chiến – vào những dịp Thanh minh và Đông chí các năm Đ. Mão (1987), M. Thìn (1988), bà con, con cháu đã lo trùng tu lại phần mộ Tổ tiên, từ mộ Ngài Tiền Hiền – đương được tái trùng tu quy mô vào dịp Đông chí vừa rồi - đến mộ các Ngài Đệ Thập tứ thế thuộc đủ các Chi, Phái.

 

Cây có cội, nước có nguồn. Để có nơi hương khói và cũng để có chỗ họp mặt trong những ngày kỵ lạp, bà con đã cùng nhau tái thiết một cách mỹ quan, kiên cố Từ đường của Tộc trên nền Tiền đường của Nhà thờ Tiền Hiền ngày trước và chi nhánh Từ đường tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP. HCM.

 

Nhờ phúc ấm của Tiền nhân, con cháu 5 Phái ngày càng đông đúc, chi Chi, Nhánh đã phát triển đến thế thứ 19 hay 20. Hiện nay một số khá đông đã đi học hành và lập nghiệp ở nước ngoài. Chúng ta có thể nói là bất cứ ở đô thị lớn nào trong Năm châu, hễ nơi đâu có in dấu chân người Việt Nam, thì hầu hết các nơi đó đều có bóng dáng con cháu nội ngoại của Bùi Tộc. Và dù ở nguyên quán hay tha hương, tất cả đều được an khương, thịnh đạt.

 

Thật là:

“Còn nhiều hưởng thụ về lâu,

Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào”

 

 

Ghi chú:

 

(1)     Ngay trong bài minh trên bia đá dựng vào tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 15 (D.L. 1754) để kỷ niệm công cuộc trùng tu Đình Châu – đình Lục thôn – có đoạn nguyên văn như sau:

 

“Thiết duy: Bổn châu tiền đợi Cai phủ Khánh sơn hầu Bùi Quý công cấu tạo công đình. Địa linh nhân kiệt, đại chấn châu lý chi phong, cận duyệt viễn lai, hội vi nhật trung chi thị, trách trách hưu thanh, chí kim vị mẫn giã. Nhiên nhi mao từ thảo sáng, tuế viễn niên yên, suy chuyên vị miễn đồi hoại, tắc tuy di chỉ thượng tồn, nhi điện vũ đại bất như sơ. Tư dục tái khoách tiền quy, dĩ chiêu thần đức. Đệ niệm Bổn châu lịch niên đồ thán, vật lực duy nan. An đắc nhất như Bùi Quý công giả, tái vi thạnh cử tai !...

 

Qua đoạn bi ký này, ta có thể hiểu đại cương là:

 

“Nguyên châu chúng ta ngày trước có Ngài Cai phủ Khánh sơn hầu Bùi Quý công cấu tạo đình sở. Đất linh, người giỏi, tiếng đồn vang khắp châu thôn. Người gần lấy làm hài lòng, kẻ xa rủ nhau kéo đến, họp thành chợ đông vào lúc ban trưa, đến nay chưa ai quên vậy. Nhưng đình tranh dựng đã lâu năm, rui mè không khỏi mục nát; nền móng còn đấy, nhưng chánh điện không được như xưa. Nay muốn trùng tu lại để phát huy công đức của Thần linh. Song mấy năm gần đây, châu chúng ta làm ăn khó khăn, vật lực khan hiếm. Giá được một vị hảo tâm như Ngài Bùi Quý công ngày trước thì quý hóa và đáng được ca ngợi biết bao!”.

 

(2)     Ngài Bùi Văn Bảng tục gọi Ông Mả Đá, vì cả nấm mộ Ngài là một tảng đá lớn, nền và thành mộ cũng lát và xây toàn bằng đá. Tục truyền khi Ngài qua đời, các con cháu tẫn liệm rồi quàn quan tài trong nhà gần đến đoạn tang. Những nhà đồ, bàn lược, bàn triệu chạm trổ công phu, sơn phết tỉ mỉ dùng trong tang lễ Ngài đều được lưu trữ tại Nhà thờ Tứ thân ở An Lâm. Chẳng may những công trình kiến trúc đó đều bị quân Pháp phá hủy trong thời kỳ Nghĩa hội.

 

(3)     Ngài Bùi Văn Thỉ thi đỗ Tú tài 2 lần (khoa Q. Mão 1843 và khoa C. Tuất 1850) thường được gọi là ông Tú Lưỡng khoa, phát khoa vùng Lục thôn lúc bấy giờ.

 

(4)     Trước kia, tộc có 2 Phái: Ngài Bùi Tấn Trừng (Phái I) và Ngài Bùi Văn Toản (Phái II), nhưng vì phát triển đông, nên từ thế thứ 13 Tộc chia làm 5 Phái (từ Phái I đến Phái V).

 

(5)     Mồ côi cha mẹ rất sớm, Ngài Bùi Thân lớn lên trong sự bảo trợ của vị chú ruột là Ngài Túi tài Bùi Văn Thỉ và của vị anh rể là Ngài Cử nhân Phan Văn Diên. Mặc dù gặp nghịch cảnh, Ngài vẫn luôn luôn phấn đấu, cố gắng tự lực, tự cường. Ngài đã nêu cao gương tiến thủ và chí kinh doanh cho con cháu. Ngài được người ta biết và nhắc đến nhiều, không những vì sản nghiệp đồ sộ mà còn vì những công trình xã hội và từ thiện của Ngài.

 

(6)     Ô. Bùi Thế Mỹ là một nhà ngôn luận cang cường, lỗi lạc vang tiếng cả Trung Nam Bắc vào đầu thế kỷ 20 này.

Ô. Bùi Giáng viết khá nhiều. Thơ, văn của Ông chắc sẽ làm tốn không ít giấy mực của người đời sau.

 

(7)     Ô. Bùi Kiến Tín là người đầu tiên ở Duy Xuyên tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ tại Pháp năm 1940.

 

(8)     Noi gương các vị ở Đệ Thập Ngũ thế như các Ông Bùi Cẩn (Ô. Cai Cẩn), Bùi Lãm (Ô. Chánh Tùng) là những võ sanh nổi tiếng đương thời ở Lục thôn, võ sĩ Bùi Hý (thế thứ 16) đã đoạt giải vô địch võ Việt Nam vào dịp Hội chợ năm 1937 ở Hội An và đã giữ vững chức vô địch ấy tại Quảng Nam suốt mấy năm liền.

 

Mộ Ngài BÙI VĂN BẢNG, Đệ Thập Nhị Thế Tổ  (trước đợt trùng tu 1987)

 

 

Niềm quyết tâm của con cháu NỘI NGOẠI TỘC BÙI: “Trùng tu Mồ Mả và tái thiết TỪ ĐƯỜNG” trong Lễ Kỵ Ngài SƠ TỔ PHÁI NHẤT (năm Đinh Mão 1987)

 

 

 

 

LỊCH SỬ KIẾN TẠO & TÁI THIẾT

TỪ ĐƯỜNG BÙI TỘC Ở VĨNH TRINH

VÀ XÂY DỰNG CHI NHÁNH TỪ ĐƯỜNG

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

----------0O0-------------

 

 

Ngày trước, khi Tộc ta mới có hai phái, thì:

-         Phái Ngài BÙI VĂN BẢNG (Ngài Mã Đá) có nhà thờ Phái gọi là “NHÀ THỜ TỨ THÂN” ở xứ Bàu Dam, thôn An Lâm, và

-         Phái Ngài BÙI VĂN VIÊN có nhà thờ Phái cũng tại xứ Bàu Dam.

Sau đó, do sự phát triển, Tộc ta được chia làm 5 phái. Ngài BÙI THÂN (Ngài Quản Nghi) – với sự phụ tá của hai vị con lớn của Ngài là Ông BÙI TÚC (Ông Bá Huynh) và Ông BÙI DUY (Ông Nghè Trình) – đã tự nguyện lạc cúng tư điền và phần lớn kinh phí, cùng bà con 5 Phái cấu tạo Từ đường cho toàn Tộc – thường được gọi là Nhà Thờ Tiền Hiền tộc Bùi – tại một khu đất trên 2000 m2, tọa lạc tại xứ Đồng Ngạch, thôn Vĩnh Trinh (nơi tọa lạc Từ đường hiện nay).

Từ đường được xây kiên cố, công phu bằng đá thước và các loại danh mộc, gồm Tiền đường, Hậu tẩm, Hữu vu, Tả vu. Khởi công năm Nhâm Tuất (1922) và tổ chức Lễ Lạc thành năm Quý Hợi (1923).

Tiếc thay, Từ đường bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ còn lại dấu vết là Chánh tẩm và Bình phong đã dày dạn phong sương và một cây trụ biểu bên tả, nhưng cũng đã nghiên lệch không còn dùng được.

Ngày 8.9.1989, Bà con toàn Tộc quyết tâm tái thiết lại Từ đường trên nền móng cũ với cách kiến trúc 3 gian, 2 chái phong quang như hiện nay tại Vĩnh Trinh, với lịch trình như sau:

06.3.91 (21.01.Tân Mùi)      :    Cử Ban tái thiết

27.03.91          :    Khởi công

03.05.91          :    Thượng lương  

21.07.91          :    Hoàn tất

23.09.91          :    Lễ An vị

20.02.92 (17.01.Nhâm Thân)   :    Lễ Khánh thành

 

Thật là:

“Nền xưa còn đó, dấu cũ Tiền nhân,

  Đền mới giờ đây, châu về Hợp phố”

 

Với đà tiến triển, chi nhánh Từ đường đã được xây dựng tại Ấp I, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh với lịch trình như sau:

13.04.2000 (08.03.Canh Thìn)     :    Cử Ban vận động và

             Ban xây dựng

16.04.2000          :    Chọn mua địa điểm

20.12.2000          :    Lễ động thổ

26.04.2001          :    Khởi công

31.12.2001          :    Hoàn tất phần cơ bản

03.01.2003          :    Các công đoạn sau cùng

             trang trí bên trong

06.04.2003 (05.03. Quý Mùi)  :    Lễ An vị và Khánh thành

 

Việc xây dựng Chi nhánh Từ đường tại TP. Hồ Chí Minh nói lên sự phát triển thịnh mậu của Tộc ta:

“Quả tốt nhân lành, trước Hoan quận, sau Quảng Nam, gốc vững cành xinh xây Tộc Phái

Duyên hay cảnh đẹp, trung Vĩnh Trinh, nam Vĩnh Lộc, mây hiền nước lặng giữ Từ đường”

Từ đường ở Vĩnh Trinh và Chi nhánh Từ đường ở TP. Hồ Chí Minh kết tinh tâm nguyện, công sức của Bà con và là gia sản thiêng liêng của toàn Tộc. Tất cả Bà con nội ngoại Tộc Bùi Vĩnh Trinh chúng ta đều có trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn, tôn tạo để Tự sở được mãi mãi trang nghiêm và kiên cố.

                   

 

Ban Xây dựng Chi nhánh Từ đường

tại TP. Hồ Chí Minh

 

HOÀI NIỆM TỔ TIÊN

----------0O0-------------

 

 

Con người có tổ có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn

(Ca dao)

 

***

 

Sông Thu một dãi uốn quanh, (1)

Đôi bờ dâu bắp soi hình mướt tươi.

Đàng xa cao ngất lưng trời !

Hòn Tàu sừng sững muôn đời chở che. (2)

Non sông thanh tú đủ bề,

Nước nguồn cây cội, vọng về Tiền nhân. (3)

 

BÙI GIA gốc ở NGHỆ AN, (4)

HOAN CHÂU tên cũ, mộ phần còn ghi.

Vào đời HỒNG ĐỨC, HẬU LÊ, (5)

Rời quê, THỈ TỔ quản gì gian truân.

Tôn xưng ngài bằng Đại lang, (6)

TẤN DIÊN tên húy, lên đường cùng con.

Kể chi vượt suối trèo non,

Màn trời chiếu đất hao mòn xiết bao !

Sông Gianh rộng, Hải Vân cao,

Đà mềm chân cứng lần vào QUẢNG NAM.

Bến hiền thuyền đậu quyết tâm,

THĂNG BA, LA THÁP khéo cầm chân ai. (7)

Lần thâu tháng rộng ngày dài,

Cùng chư Tộc khác ra tài khẩn hoang.

 

Sáu thôn phân định lân bàng,

VĨNH TRINH, LỆ TRẠCH, CÙ BÀN tiếp sau.

AN LÂM, CỔ THÁP, THANH CHÂU,

Lục thôn tự sở bắt đầu tạo chung. (8)

 

Đống lương lạc cúng hết lòng,

KHÁNH SƠN CAI PHỦ nêu công bia đình (9)

 

Ngài TAM THẾ TỔ phiên mình, (10)

Cần lao theo nếp, gia thanh giữ lề.

Tiếc thay mấy đợt loạn ly,

Trường biên Gia phả thiếu đi mấy đời !

 

Song từ TIÊN TỔ THỨ MƯỜI, (11)

Một cây cù mộc, xinh tươi nhiều chồi.

Thiên thời, nhân lực đi đôi,

Bộn bề mùa trúng, lần hồi người đông.

 

Trong hàng Tiên tổ Quý công,

Ngài BÙI VĂN BẢNG tức Ông CAI ĐÌNH.

Ông MẢ ĐÁ thêm tục danh, (12)

chưng tảng đá tạo thành nấm y.

Tương truyền tang lễ xưa kia,

Quan tài quàn đến gần kỳ đoạn tang.

Nhà đồ, Bàn triệu đẹp, sang,

Chạm sơn tỉ mỉ, trang hoàng công phu. (13)

Thoi đưa mãn Hạ sang Thu,

Ngày càng phát triển đều do phúc nhà.

Nhiều cành một cội sinh ra,

Hình thành năm Phái cũng là từ đây. (14)

Trong vùng: Học giỏi, văn hay,

PHÁI NHÌ SƠ TỔ, tiếng Thầy Lưỡng khoa. (15)

Rỡ ràng trên gấm thêm hoa, (16)

Người người mến nể, nhà nhà ngợi khen.

 

Đến đời MƯỜI BỐN vai trên, (17)

Một ngôi sao lại chiếu lên sáng ngời.

Mồ côi cha mẹ ấu thời,

Tế huynh thúc phụ thay lời bảo ban (18)

Mặc dù nghịch cảnh dở dang,

Tạo xây cơ nghiệp không hàng khó khăn.

Ấy Ngài Sơ tổ BÙI THÂN,

Tức là ÔNG QUẢN xa gần biết danh.

Lạc quyên, chẩn thại nhiệt tình, (19)

“Lương gia”, “Phù hộ” rành rành tuyên dương. (20)

 

Cùng hàng huynh đệ đồng đường, (21)

Cự nông trí thức chi nhường cho ai.

Đều là Bá hộ các Ngài,

Đầu Chi NHỊ PHÁI một hai rõ ràng.

 

Còn ba Phái khác nhìn sang,

Nhiều Ngài đảm trách Lý, Hương giúp đời.

Nông tang lo liệu kịp thời,

Hai sương một nắng không dời nghiệp xưa.

Việc làm nào kể sớm trưa,

Sáng cày Rộc Sách, chiều bừa Chà Rang

Cần chuyên khỏi phải vội vàng,

Làm xong Gò Thị, lại sang Bàu Cùng.

Cầu Cao, Bàn Thát liên vùng,

Đồng Nam, Đồng Ngạch cùng trong thôn nhà.

Như chim lơ lửng lượn xa,

Vi vu tiếng gió, ngân nga sáo diều.

Ác tà bóng xế đìu hiu,

Nghêu ngao mục tử dắt dìu đàn trâu.

Trăng trong gió mát canh thâu.

Tiếng hò thôn nữ bên cầu vọng đưa.

Đời MƯỜI LĂM lúc bấy giờ.

Một phần MƯỜI SÁU cũng thừa dịp hay.

Chuyển sang các huyện đó đây,

Kinh doanh quản trị giúp rày cha ông. (22)

Thư, Kinh ra sức làu thông, (23)

Túc Nho, Tú, Cử gia phong kế truyền. (24)

 

Gió Âu, mưa Mỹ đến phiên ! (25)

Chương trình Tân học dùng liền mọi nơi.

Bà con theo đuổi kịp thời,

Tiểu, Trung, Đại học cùng người đua tranh.

Văn chương, khoa học đủ ngành,

Kỹ sư, Tiến sĩ thành danh dồi dào.

Giao lưu càng dễ bao nhiêu !

Xuất dương lập nghiệp càng nhiều nước thôi.

Đến nay Tộc được mấy đời ?

Có Chi đã tới hai mươi đời rồi.

 

Dù cho cách trở xa khơi.

Lòng bà con vẫn không rời cố hương.

Kẻ đi, người ở vấn vương,

Từ đường tái thiết vẫn thường chung lo.

Vườn xưa, hướng cũ trùng tu,

Ba gian hai chái quy mô huy hoàng.

Thềm cao, hiên rộng nghiêm trang,

Ruộng đồng bao bọc, con mương chạy dài.

Châu về Hợp Phố không sai, (26)

Nguyện lành trời đã liệu bài giúp xong. (27)

Mộ phần trang chỉnh thi công,

Bia cao thành rộng, nhìn chung hài hòa. (28)

Bổ sung Phổ hệ cùng là

Khánh thành Kỷ yếu đưa ra ấn hành.

Song song công tác tâm linh.

Tiểu ban Khuyến học chương trình thực thi …

 

Nay nhân Giỗ Tổ thường kỳ,

XUÂN THU HIỆP TẾ hội về cháu con.

Dâng lên một tấm lòng son,

Từ đường chi nhánh vuông tròn từ đây

Cúi xin Ơn Tổ cao dày,

Độ cho con cháu từ rày, khắp nơi.

Gia phong mãi được sáng ngời,

BÙI MÔN NĂM PHÁI đời đời thịnh khang.

 


PHỤ CHÚ

 

(1) Sông Thu: Sông Thu Bồn, còn gọi là Sài Giang, con sông tiêu biểu của đất Quảng.

(2) Hòn tàu: Tào sơn, hòn Núi Chúa, núi Quắp.

(3) Nước nguồn cây cội: Cây có cội, nước có nguồn. Do câu: Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên.

(4) Nghệ An, Hoan Châu: Tiền nhân BÙI TỘC đã di cư từ Hoan Châu (Nghệ An) vào khai phá và sáng lập ra xã hiệu Bình Khương tức thôn Vĩnh Trinh, Quảng Nam ngày nay (Phổ hệ trang 13).

(5) Hồng Đức, Hậu Lê: Theo Quốc sử, đoàn quân nam tiến của triều Lê phát xuất từ thế kỷ XV, dưới đời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức (Phổ hệ trang 13).

(6) Đại Lang, Tấn Diên: Trong bản Cung lục Gia phả của Ông Tú Tài BÙI GIÁC, có câu: Thỉ Tổ Bùi Đại Lang húy TẤN DIÊN (Phổ hệ trang 667-669).

(7) Thăng Ba, La Tháp: Bài minh bia Đình Châu bắt đầu bằng câu: “Thăng Ba Phủ, Ba Châu Thuộc, La Tháp Châu Quan Quân Đại Tiểu Đẳng Trùng Tu Công Đình Bi Ký” (Phổ hệ trang 651-653).

(8) Lục thôn tự sở bắt đầu tạo chung: Lục thôn làm chung công đình – thường gọi là Đình Châu – đình chung của 6 thôn.

(9) Khánh sơn CAI PHỦ nêu công bia đình: Ngài CAI Phủ Khánh Sơn Hầu Bùi Quý công – húy TẤN TRƯỜNG Đệ Nhị thế tổ, đã tham gia đắc lực vào việc cấu tạo công đình và bia Đình Châu dựng năm Cảnh Hưng thứ 15 (G. Tuất, 1754) đã tán dương công đức của ngài (Phổ hệ trang 651-653).

(10) Ngài Tam Thế tổ: Ngài Bùi Phủ quân húy TẤN MIÊN (Phổ hệ trang 29).

(11) Tiên tổ thứ mười: Ngài Đệ Thập thế tổ húy danh BÙI TẤN HIỆU.

(12) Ông Mã Đá – Ngài BÙI VĂN BẢNG: Một trong các vị Đệ thập nhị thế tổ – thường được gọi Ông Mã Đá, vì nấm mộ Ngài – rất đặc biệt – là một khối đá nguyên.

(13) Chạm sơn …… công phu: Tục truyền nhà đồ, bàn lược, bàn triệu … dùng trong tang lễ của Ngài đều được chạm trổ tỉ mỉ, sơn phết công phu (Phổ hệ trang 15).

(14) Hình thành năm Phái: Tộc phân thành 5 Phái từ Thế thứ 13. Xin xem sơ đồ các Thế thứ (Phổ hệ trang 31).

(15) Lưỡng khoa: Ngài BÙI VĂN THỈ, tổ Phái II, đỗ 2 lần Tú tài: Khoa Q. Mão (1843) và khoa C. Tuất (1850).

(16) Trên gấm thêm hoa: Do chữ “Cẩm thượng thiêm ba”: Đẹp lại đẹp thêm.

(17) Đời Mười bốn vai trên: Ngài BÙI THÂN là tổ chi 1 Phái 1, nên Ngài là vai trên đối với chư Tổ cùng thế thứ với Ngài.

(18) Tế Huynh, thúc phụ: Tế huynh = anh rễ, chỉ ông Cử nhân PHAN VĂN DIÊN; Thúc phụ = chú ruột, chỉ Ngài Lưỡng khoa Tú tài BÙI VĂN THỈ.

(19) Lạc quyên, chẩn thại nhiệt tình: Xem Tiểu sử Ngài BÙI THÂN (Phổ hệ trang 74).

(20) Lương gia, phú hộ: Gia đình tốt, làm giàu. Trong Sắc phong của Ngài BÙI THÂN, có câu: “Nam quận lương gia, Sài giang phú hộ”.

(21) Huynh đệ đồng đường: Ngài BÙI THÂN và các Ông Bá Sơ tổ các Chi của Phái II – là những anh em thúc bá.

(22) Giúp rày cha ông: Các con cháu giúp Ngài BÙI THÂN trong việc quản lý và phát triển các cơ sở mà Ngài đã tạo lập được ở các nơi.

(23) Thư kinh – Tứ thư: (Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung Dung) và Ngũ kinh (Thi, Thơ, Lễ, Nhạc, Xuân Thu) là những bộ sách căn bản của Nho học.

(24) Tú, Cử: Chỉ Ông BÙI GIÁC đổ Tú Tài và Ông BÙI HỮU CHÍ đỗ Cử nhân.

(25) Gió Âu mưa Mỹ: Do chữ Âu phong Mỹ vũ: Làn sóng cạnh tranh của các nước Âu Mỹ.

(26) Châu về Hợp Phố: Của đã mất mà được lại, do chữ Châu hoàn Hợp Phố.

(27) Nguyện lành trời đã liệu bài giúp xong: Do câu sách: “Nhân hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi”.

(28) Bia cao thành rộng nhìn chung hài hòa: Chỉ mộ Tiền hiền và mộ Ngài Đệ Thập thế tổ đã được trùng tu quy mô, huy hoàng.

(29) Lòng son: Lòng thành, do chữ Đan tâm.

 

(Phỏng theo sáng tác của Cố GS. BÙI TẤN)

 

 




Lượt truy cập: 522139
Powered by EasyVN