Trang chủ
Tự giới thiệu
Ban Quản-Trị Hội
Thông báo hoạt động Hội
Thông báo Hội Viên
Gia-phả
Sưu- tầm&tổng-hợp
Hình ảnh sinh hoạt tại Làng TB
Hình ảnh Sinh-hoạt
Diễn đàn Góp Ý

HỘI THUẬN BÀI TƯƠNG TẾ
Giới-Thiệu
LỊCH SỬ LÀNG THUẬN BÀI VÀ HAI HỌ TRẦN - MA
      T heo các tài liệu để lại thời Hùng Vương dựng nước, Quãng Trạch nói chung, Thuận bài nói riêng nằm trong đất đai của Bộ Việt Thường.

      Thời kỳ Bắc thuộc, Nước Âu Lạc bị chia thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Châu và Nhật Nam. Thuận Bài thuộc Quận Nhật Nam. Năm 192 do thế lực nhà Đông Hán suy yếu, một bộ tộc Khu Liên (thuộc huyện Tây Quyển) nổi dậy đánh đuổi bọn phong kiến phương Bắc ra khỏi đất Nhật Nam, dựng nên nước Lâm Ấp kéo dài từ nam Đèo Ngang vào đến Bình Thuận ngày nay. Nước Lâm Ấp có 5 châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Châu Ô và Châu Lý. Thuận Bài nằm trong châu Bố Chính.

      Ở Thuận Bài, song hành với vị khai Tổ, khai canh
Trần Đạt còn có vị Tổ thứ hai là Mát Vũ Hầu, Ma Mạnh Lang. Hai vị Tổ họ Trần và họ Ma đã góp công sức kiến tạo làng xóm năm 1400 lập ra làng An Bài (Thuận Bài). Họ Trần là những bậc tiền hiền khai canh, vốn xưa là dòng dõi và triều thần nhà Trần. Họ Ma là những bậc hậu hiền khai khẩn của Làng này.
      Họ Trần khai canh, gốc làng Tức Mặc, phủ Triên Trường, tỉnh Nam Định (Bắc Việt) thuộc dòng dõi nhà Trần (1225-1400) thuộc hệ Hưng Hiếu Vương Quốc Nghiền (con trưởng của Trần Quốc Tuấn). Cụ Trần Đạt là cháu 5 đời của Hưng Đạo Vương, khi Hồ Qúy Ly tiếm quyền, nhất Tổ họ Trần làngThuận Bài là Trần Đạt cùng hai người em là Trần Kế (Duy) và em gái là Trần Thị Ngọc Tranh trốn chạy vào miền trung. Trần Kế và em gái đến cư ngụ tại Xã Thịnh Quả, Phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nay là làng Châu Diên (Diên Phúc cũ) xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Còn cụ Trần Đạt thì vào cư ngụ tại Làng Thuận Bài, Phủ Quãng Trạch, tỉnh Quãng Bình.
      Tổ họ Ma (Mát Vũ Hầu, Ma Mạnh Lang) theo các tài liệu để lại thì họ Ma là một họ tộc rất cổ của nước Việt thời xưa. Họ Ma gốc người ở Tuyên Quang (Việt Bắc) vào cư trú tại làng An Bài (Thuận Bài) có thể Ngài theo 1 vị Quân Công họ Trần, khi vị này lên vùng thượng du Bắc Việt đánh quân nhà Mạc, rồi theo Trần Quân Công về cư ngụ tại làng An Bài (Thuân Bài). Vị ấy có thể là Vạn Quân Công (đời thứ 3), Sâm Quân Công (đời thứ 4) hay Mỹ Quân CÔng thuộc hệ thứ 5, là người đầu tiên làm thôn ggia với họ Ma.

      Trước năm 1945 làng Thuận Bài có 4 xóm: Bắc Bình, Trung Hòa, Đông Tỉnh (Đông An) và Tây Ninh, gọi nôm na là Xóm Trên, Xóm Giữa, Xóm Trong và Xóm Ngoài.
      Hai họ Trần và Ma là hai họ thông gia, nối tiếp gã con cho nhau, giữ mãi lệ Làng là con cháu lớn lên, nếu lấy vợ chồng người khác họ, khác Làng mà muốn ở lại cùng cộng đồng người An Bài, thì phải đổi họ tữ chọn họ Trần hay họ Ma, bằng không phải ra ngoại thôn, đây là 1 phong tục lạ ở tỉnh ta.

      Nhân dân Thuận Bài có  một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc quê hương: đánh đu, đánh cờ người, cờ thẻ, bài chòi khi xuân về. Thuận Bài còn là quê hương của nhiều điệu hò, câu hát, hò đối đáp, hát ru, hát vè  Văn hóa ẩm thực có món cá chuối được các nơi ưa chuộng.

      Làng Thuận Bài đã trãi qua hơn 500 năm hòa mình vào với giang sơn đất nước, vui buồn với những đổi thay, hưng vong, thăng trầm của quê nhà, đất nước. Dù ở hoàn cảnh nào người Thuận Bài cũng luôn cố níu giữ kỳ được truyền thống hại họ Trần - Ma. Dù đi xa cũng không quên nơi chôn nhau cắt rốn, nơi hai họ Trần - Ma sinh hạ ra mình.
HÌNH THÀNH HỘI THUẬN BÀI TƯƠNG TẾ TẠI TP.HCM
      T ại quê nhà, từ những năm 1888 đời sống nhân dân khó khăn, chế độ sưu cao thế nặng, bắt phú, bắt lính đè lê cổ nhân dân, người Thuận Bài cũng chung số phận như mọi nơi, càng thôi thúc lớp người như ông Trần Văn Mâu, những thanh niên Làng ra đi tìm liếm con đường, chân trời mới may ra có thể cải thiện được cuộc sống. Ông Trần Văn Mâu cùng anh là Trần Phương tức Trần Phang khăn gói lên đường, cuộc Nam hành của người Thuận Bài cũng bắt đầu từ đó.

      Làn sóng vào Nam làm ăn ở Thuận Bài cư trú ở Sài Gòn ngày một đông, tuy vào Nam sinh sống nhưng thâm tâm mọi người luôn hướng về quê hương cội nguồn, thể hiện tinh thần đùm bọc, bảo ban tương thân tương trợ, thương yêu nhau, xây dựng cho nhau. Bà Trần Ngoãn có sáng kiến giúp đỡ anh em bà con, khó khăn trong việc ăn ở, do đó nhiều ngưới Thuận Bài kéo nhau về ở tập trung một xóm, để tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xóm ấy trước gọi là xóm Lách, sau gọi là
Xóm Nhà Đèn và cũng là Xóm Thuận Bài Tân Định. Nhiều người trong số này đã trưởng thành trong nghề điện, thợ may và thành công trong sự nghiệp làm ăn của mình.

      Xóm Nhà Đèn về sau là cơ sở của Hội Làng Thuận Bài trên đất Sài Thành. Một Hội mang tính tương tế ái hữu và Hội Thuận Bài Tương Tế đã được hình thành, một thứ Làng quê Thuận Bài mới được thành lập. Hội có điều lệ, nội quy, Ban Quản Trị, Ban Kiểm Soát Hội là nơi liên lạc, gây tình thân hữu và nung đúc tinh thần đoàn kết giữa các Hội viên ngõ hầu tương trợ nhau về tinh thần và vật chất.
      Ngày 07/05/1936 được chính quyền sở tại cấp phép thành lập với tên gọi Hội Thuận Bài Tương Tế, mục đích của Hội là:

      -  Tạo điều kiện để bà con người Làng có cơ hội gặp gỡ, giúp đỡ lẫn nhau cũng như thông báo cho nhau tình hình ở quê nhà.
      -  Tổ chức thăm hỏi khi ốm đau, cũng như phúng điếu hội viên và thân quyến khi từ trần.
      -  Tạo lập một nghĩa trang để mai táng hội viên, thân quyến khi từ trần.
      Ban Quản Trị thời kỳ đầu thành lập gồm 7 vị Trần Văn Tấu làm Hội trưởng. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử  với truyền thống cây có cội, nước có nguồn, lấy tình làng nghĩa xóm làm gốc. Hội Thuận Bài đã cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ tương trợ, gắn bó người Làng trong thành phố lại với nhau, cùng giúp nhau giáo dục và bồi dưỡng lòng yêu quê hương, làng xóm cho các con em, do đó mà Hội Thuận Bài vẫn tồn tại đến ngày nay.    
Lịch sử văn hoá Tổ đình Trần Ma Nhị Tộc
tại Thành Phố Hồ Chí Minh
      T hời kỳ đầu, Hội Quán của Hội Thuận Bài Tương Tế được hình thành vào năm 1936 tại số 37 đường Trần Quang Khải ngày nay. Với lòng mong muốn Hội Quán của Hội tượng trưng đồng thời là diện mạo của ngôi làng và là nơi nhà thờ hai họ tộc Trần -  Ma. Bà con hội viên, các mạnh thường quân đã góp công, góp sức xây dựng Tổ Đình Hội Quán Hội Thuận Bài Tương Tế vào năm 1971 tại 236/12/6 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày nay.

      Kiến trúc của Hội Quán gồm 2 phần:

      Phần trên như một ngôi Đình Làng, nóc có lưỡng long triều nguyệt, mái uốn cong có long vĩ xà đầu. Điện tiền là một hành lang có sân lộ thiên, bên trong có 3 gian chính: gian giữa thờ chung hai vị
Tổ hai họ Trần - Ma, hai gian bên: tả thờ Giảng Vũ Hầu, hữu thờ cụ Tổ Trần Văn Mâu và các vị Tiền Bối. Người ta gọi là Tổ Đình, theo cách thức này có thể hiểu rằng đây vừa là đình làng vừa là nhà thờ Tổ Đường.

      Phần dưới Hội Quán, bên trong là phòng họp rộng thoáng có thể chứa vài trăm chổ ngồi. Phía sau là dãy nhà phụ nhiều phòng rộng, trên lầu phía sau bố trí là Phòng truyền thống của Hội, chung quanh là vườn cây ăn quả, có sân tráng si măng sạch đẹp.

      Tại Hội Quán hằng năm,
ngày 10 tháng chạp là một ngày lễ trọng đại, giữa hai vị Tổ Trần - Ma. Mọi người đều hội họp, dâng hương và thăm viếng nhau, thắt chặt thêm tình làng nghĩa họ. Khi Tế lễ có chuông, có trống, có văn tế, lễ sinh, có Chánh tế đứng giữa, có Đông hiến, Tây hiến hai bên. Áo mũ, phẩm phục giống như tế thần ở đình trung, đầy đủ sắc thái của một Làng quê xa xưa giữa chốn thành hiện đại, tạo nên sự xúc động, hoài cảm quê hương.
Lịch sử văn hoá Nghĩa trang Hội Thuận Bài Tương Tế tại TP/HCM
      V ới mục đích khi thành lập Hội Thuận Bài Tương Tế là gây tình thân hữu, tương trợ nhau về vật chất, tinh thần giữa những người nguyên quán Thuận Bài và tổ chức những công việc xã hội, từ thiện để bảo trợ hội viên. Ngoài ra Hội còn lập thêm một nghĩa trang mang tên Nghĩa Trang Thuận Bài dùng để mai tang các hội viên, thân nhân của hội viên khi từ trần.

      Nghĩa Trang của Hội lập từ năm 1936 ở Gò vấp Bà Quẹo, do nằm trong quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nên sau đó di dời Nghĩa Trang và Nghĩa tế về số 99/4 Lê Văn Khương, Phường Thới An, quận 12 ngày nay.

     Nghĩa Trang Thuận Bài có diện tích 12.000 m2, được chia thành 6 khu: Khu Danh Dự Đặc Biệt, Khu Danh Dự A, Khu Danh Dự B, Khu Hội Viên, Khu Tứ Thân Phụ Mẫu và khu Ái Nghĩa. Việc chôn cất ở các khu trong nghĩa trang được tổ chức theo kế hoạch hợp lý, mỹ quan và nhằm sử dụng đất đai lâu dài. Có quy định các điều kiện, thể thức việc chôn cất vào các khu phù hợp theo nội quy của Hội.

     Nghĩa Từ là nơi thờ các bậc Tiền hiền, tiền đường dùng làm nơi cúng vong linh trườc khi cử hành hạ huyệt. Để thêm phần ấm cúng các vong linh và thể theo nguyện vọng của hội viên. Năm 1967 Hội đã chỉnh trang, sửa chữa Nghĩa Từ và nhà Quàn thành "giống cảnh chùa" đơn giản và tôn nghiêm. Trong Nghĩa Từ ngoài thờ tượng Phật còn có thờ tượng Chúa dành cho bà con hội viên đạo Công giáo.

Lượt truy cập: 59212
Powered by EasyVN - A free personal website provider