Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

LỄ TƯỞNG NIỆM 12 NĂM NGÀY MẤT CỦA CỐ THI SĨ BÙI GIÁNG (1998-2010) VÀ LỄ TRUY ĐIỆU ÔNG BÙI DIỆM (1935-15.09.2010) TẠI CHI NHÁNH TỪ ĐƯỜNG BÌNH CHÁNH NGÀY 19.09.2010

 

 

Sáng ngày Chủ Nhật 19.09.2010 vừa qua, tại Chi Nhánh Từ đường Tộc Bùi Vĩnh Trinh tại Vĩnh Lộc, Bình Chánh đã diễn ra Lễ tưởng niệm 12 năm ngày mất của Cố Thi sĩ Bùi Giáng và Lễ truy điệu Ông Bùi Diệm vừa qua đời tại quê nhà Vĩnh Trinh. Đông đảo bà con và nhiều trí thức, văn nghệ sĩ thân hữu đã tham dự Lễ tưởng niệm, bày tỏ lòng ái mộ đối với một danh nhân văn hóa của Tộc Bùi Vĩnh Trinh và của đất nước. Bà con cũng rất xúc động tưởng nhớ đến công lao đóng góp của Ông Bùi Diệm đối với gia tộc, chia buồn cùng tang quyến và cầu mong hương hồn của Ông Bùi Diệm siêu thăng về cõi tịnh.

 

Sau đây là một số hình ảnh về Lễ tưởng niệm và Lễ truy điệu, cùng diễn văn tưởng niệm của Ông Bùi Dương Thạch, Trưởng Ban điều hành Bùi Tộc Vĩnh Trinh tại Sài Gòn.

 

1. Một số hình ảnh Lễ tưởng niệm và Lễ truy điệu

 

 

Lễ tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng (Lễ cúng đất)

 

Lễ tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng (Lễ cúng đất)

 

 

Bàn thờ Cố Thi sĩ Bùi Giáng

 

 

Tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng

 

 

Tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng

 

 

Ô. Bùi Dương Thạch đọc diễn văn tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng

 

 

Ô. Bùi Dương Thạch đọc diễn văn tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng

 

 

 

Chiêu đãi nhân tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng

 

Chiêu đãi nhân tưởng niệm Cố Thi sĩ Bùi Giáng

 

 

Ô. Bùi Văn Bảy (Song Thu) phát biểu

 

 

Ô. Bùi Văn Lập đang phát biểu

 

 

 

2. Diễn văn tưởng niệm của Ông Bùi Dương Thạch

 

 

PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN BAN ĐIỀU HÀNH NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ THI SĨ BÙI GIÁNG NHÂN 12 NĂM NGÀY MẤT (17.12.1926 - 7.10.1998) TẠI CHI NHÁNH TỪ ĐƯỜNG BÙI TỘC VĨNH TRINH TẠI VĨNH LỘC, BÌNH CHÁNH

 

 

Thưa Quý thân hữu,

Thưa toàn thể Bà con thân mến,

 

Hôm nay, 19.09.2010, 12 năm kể từ ngày Cố Thi sĩ Bùi Giáng, như mọi lần, đi ngao du đâu đó, chúng ta lại cùng nhau tìm đến thăm Anh, trong tay là một nén hương thơm, một nhành hoa đẹp, một chút rượu ngon để kính mời Anh thưởng thức, và để được nhìn Anh, nghe Anh cười nói thân tình, vui vẻ nhưng cũng thật phiêu bồng, thoát tục.

 

Có thể Anh đang mãi vui đâu đó, chưa về. Có hề gì đâu! Vì thế, chúng ta không dám và cũng không nỡ gọi buổi họp mặt hôm nay là Lễ Kỵ Anh, vì Anh Giáng có mất đâu, có vĩnh biệt chúng ta bao giờ đâu theo nghĩa thường tình! Chúng ta vẫn thấy như có Anh bên cạnh, giống như mọi lần và vĩnh viễn.

 

Chúng ta đến với Anh hôm nay như tìm thăm một người thân ruột thịt, dù không mấy ai trong chúng ta đủ sức hiểu nổi tâm tư và tầm trí tuệ cao vời của Anh. Bà con trong các thế hệ hậu sinh của chúng ta thậm chí còn không có may mắn được nhìn thấy Anh một lần lúc sinh thời. Thế nhưng, tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ tên tuổi Anh, thích thú trước bao giai thoại độc đáo về Anh, vui mừng và tự hào khi biết Anh vẫn đang sống mãi trong tình cảm trân trọng và quý mến của đồng bào và giới trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, mà sự hiện diện quý báu của các vị thân hữu hôm nay là một minh chứng.

 

Chúng ta xiết bao vui mừng và cảm kích khi thấy ngày càng nhiều các nhà xuất bản trong và ngoài nước không ngừng tái bản các tác phẩm của Anh và giới thiệu những di cảo của Anh đến với người đọc. Chúng ta trân trọng biết bao tình cảm ruột thịt và cả lòng hy sinh cao cả của Ông Bà Bùi Võ và các con cháu trong gia đình đã bao năm chăm lo săn sóc và đùm bọc Anh cho đến phút cuối cùng. Chúng ta hoan nghênh nỗ lực bền bỉ của Anh Nguyễn Thanh Hoài, nghĩa tế của Ông Bà Bùi Võ, trong việc gìn giữ và tổ chức phát hành các di cảo của Bùi Giáng. Chúng ta biết ơn các bậc thức giả, các văn nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu đã không ngừng quan tâm đến sự nghiệp văn hóa của tác giả Bùi Giáng, liên tục có những công trình sáng tạo và biên khảo giá trị về Bùi Giáng qua nhiều tập kỷ yếu và các đặc san. Và, hai năm trước đây, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Cố Thi sĩ Bùi Giáng đi xa, Trung Tâm Văn hóa Đông Tây ở Hà Nội cùng nhà xuất bản Lao Động đã tổ chức biên soạn công trình “Bùi Giáng, Trong cõi người ta” rất dày dặn, tập hợp nhiều cây bút trong Nam ngoài Bắc và hải ngoại. Hình ảnh và giá trị đích thực của văn nghiệp Bùi Giáng đã được khẳng định trong lòng bạn đọc cả nước và ở khắp năm châu. Ước mong rằng bà con nội ngoại Tộc Bùi chúng ta không chỉ biết ngưỡng mộ và tự hào về tên tuổi Bùi Giáng mà còn nên sưu tầm, tìm đọc các tác phẩm của Bùi Giáng và các công trình viết về Bùi Giáng để hiểu Anh hơn và cũng để nâng cao tâm hồn và trí tuệ của bản thân chúng ta.

 

Thưa Quý thân hữu và quý bà con,

 

Tưởng nhớ Cố Thi sĩ Bùi Giáng, chúng tôi không dám lạm bàn chút gì về văn nghiệp đồ sộ của một tác giả lớn có trên 60 đầu sách, gồm 14 tập thơ, 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa và nhiều biên khảo về triết học và thi ca và nhiều di cảo chưa in, kể cả không ít những họa phẩm và thi phẩm còn chưa thể sưu tầm hết.

 

Chúng ta chỉ dám nhắc đến tên Bùi Giáng hôm nay là để nhớ đến quê nhà thân thương, đến Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Trung Phước…, những nơi chốn đã góp phần sản sinh ra một tài năng ưu tú của gia tộc, nơi lưu dấu bước chân Anh thời trai trẻ:

 

Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng

Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Dinh

Những bận nào Quế Sơn rù rì con suối ngược

Nước trôi nguồn nước xuống phăng phăng

 

Tuy sáng tác và thành danh ở phương Nam lộng gió:

 

Không kể xiết Sài Gòn hay Chợ Lớn

Tuần Sóc Trăng thổi rộng gió Biên Hòa

 

nhưng lòng Anh vẫn đăm đăm một niềm cố quận:

 

Ôi ở lại Miền Nam tìm nẻo thuộc

Tôi đi về sầu dựng Hải Vân San

 

Sao giống quá nỗi niềm của một bậc tiền bối Quảng Nam khác là Cụ Phan Châu Trinh:

 

Tha nhật Ba Lê phong tuyết dạ

Thi hồn do nhiễu Hải Vân biên

 

Trong những đêm gió tuyết ở thành Ba Lê xa xôi, hồn thơ của nhà chí sĩ vẫn lưu luyến với mây núi Hải Vân! Hai chữ Vĩnh Trinh luôn ẩn hiện trong hồn thơ Bùi Giáng với bao biến hóa thần kỳ: Vĩnh Thúy, Vĩnh Diệu, Vĩnh Dạ, Vĩnh Thể, Vĩnh Hằng:

 

Điện Bàn Đại Lộc Duy Xuyên

Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu

Vĩnh Trinh Lệ Trạch Thanh Châu

Thi Lai Hà Mật nhìn đâu dáng người

 

Tưởng nhớ Bùi Giáng, chúng ta càng nhớ đến công ơn của Tổ Tiên. Bao thế hệ tổ tiên Bùi Tộc Vĩnh Trinh đã ra công vun đắp, gầy dựng cho các thế hệ cháu con, để hun đúc nên một thiên tài Bùi Giáng. Dòng máu bên nội của Ông Bùi Thuyên, tức Ông Cửu Tý, thuộc thế thứ 16, Tộc Bùi Vĩnh Trinh, đã hòa cùng dòng máu bên ngoại của Bà Huỳnh Thị Kiền, cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, em ruột người anh hùng Hoàng Diệu. Tinh hoa của hai đại gia tộc nổi tiếng đất Quảng đã đơm hoa kết trái, thật đáng tự hào!

 

Thưa Anh Bùi Giáng,

 

Bình sinh Anh rất yêu thơ Nguyễn Du, xem đó là một cội nguồn thi hứng của mình, nên nhân buổi tưởng niệm hôm nay, lòng thành lễ bạc, xin kính đọc bốn câu tuyệt tác của thi hào trong Thanh Hiên Thi Tập để viếng Anh:

 

Thiên địa phiêu chu phù tợ diệp

Văn chương tàn tức nhược như ty

Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ

Đông phong thành hạ bất thăng tình

 

Và cũng xin kính đọc bốn câu tuyệt diệu do chính Anh đã dịch ra thơ Việt để Anh nghe lại:

 

Thuyền con chiếc lá giữa trời

Thơ văn tiếng thở như lời tơ than

Trông vời hồng rụng ngổn ngang

Tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia

 

“Muôn vàn dưới kia” là “chốn cũ” nay Anh đã tìm về. Nơi “muôn vàn dưới kia” ấy cũng vừa đón hương hồn ông BÙI DIỆM, một người con thân yêu có nhiều công lao đóng góp đáng ghi nhớ cho gia tộc, vừa giã biệt chúng ta ngày 15.9.2010 mới đây tại quê nhà Vĩnh Trinh, hưởng thọ 76 tuổi. Trong niềm tưởng nhớ và tiếc thương vô hạn, chúng tôi xin toàn thể bà con dành một phút mặc niệm cố Thi Sĩ Bùi Giáng và hương hồn Ông Bùi Diệm.

 

Xin trân trọng cảm ơn Quý thân hữu và Quý Bà con.

 

 

TM Ban Điều hành Tộc và Ban Tổ chức

Buổi Tưởng Niệm

 

 

Bùi Dương Thạch

 




Lượt truy cập: 522683
Powered by EasyVN