Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

Kính thưa bà con thân thuộc,

Diễn văn đọc trong Lễ Giổ Tổ chu ký 5 năm tại

nhà thờ Tộc BÙI ở Bình Chánh ngày 05-04-2009

 

Kính thưa bà con thân thuộc,

 

Tôi xin tự giới thiệu : tôi là Bùi văn Tố, con trai út của Ông Bùì Thống, đích tôn thế thứ 16 của họ Bùi Vĩnh Trinh, tục danh là ông Nghè Thống, thường còn được biết dưới danh xưng là Ông Nghè Thu Bồn . Tôi là một con cháu thuộc thế 17 cuả tộc.

 

Hôm nay, tôi rất vui mừng được có mặt nơi đây trước sự hiện diện khá đông đủ  con cháu nội ngoại của họ Bùi chúng ta.

 

Khi đuợc biết năm nay sẽ có lễ Giổ Tổ chu kỳ 5 năm, tôi và anh Bùi thanh Dương, đích tôn thế 18 của họ, tuy tuổi đời cuả hai chúng tôi đã  gần bát thập rồi, chúng tôi đã đồng thanh quyết định vể tham dự, trước là để bái lạy tổ tiên, sau là để có dịp gặp bà con xa gần, những bà con đã quen biết hay chưa từng quen biết vì thời cuộc không cho phép.

 

Việc chúng ta hội họp đông đủ hôm nay gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm êm đềm về những lễ giổ ngày xưa ở chánh quán Vĩnh Trinh,  do anh  chị Cả tôi là anh chị Bát Thưong  quán xuyến một cách hoàn hảo : mỗi năm có hàng chục đám giổ phải tổ chức, hạ thịt bò heo, trước là để cúng ông bà, sau là để thết đãi bà con vể tham dự đám giổ. Trong nhà anh Bát Thưong, người đông như có hội, kẻ đi lên người đi xuống, bưng mâm bưng quả, trai bạn tấp nập giúp nấu bếp làm cơm. Lúc bấy giờ, tôi còn nhỏ, vui đùa ngoài sân phơi lúa với các anh em đồng lứa trong họ, thỉnh thoảng chạy vào nhà bếp, năn nỉ xin một miếng chả lụa hay một cái bánh ngọt.

Khi lễ cúng bắt đầu, tôi lên nhà thờ nhìn cha tôi hành lễ : với tư cách là đích tôn thế 16, Ông đứng chánh bái, tóc râu ông bạc trắng, oai nghiêm trong chiếc áo rộng và cái khăn đóng màu xanh.

 

Ngày nay, những đám giổ như vậy không còn nữa, nông nghiệp không còn là nếp sống cổ truyền của đại đa số bà con chúng ta  và dòng họ chúng ta không còn là những nông dân chỉ biết cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn như tổ tiên ta từ cuối thế kỷ thứ 15, khi Ông Tiền hiền BÙI tấn Diên theo đoàn quân Nam tiến vào lập nghiệp ở tỉnh Quảng Nam, để rồi lần lần bành trướng trên lưu vực sông Thu Bồn. Người cháu 14 đời là Ông Bùi Thân, tục danh là Ông Quản Nghi đã tạo được sau 30 năm nhẫn nại, cần cù và  tự tín, một sản nghiệp trên 3000 mẫu, luá thâu về nhiều đến nổi trong dân gian có câu : "Tiền Hương Đạo, gạo Quản Nghỉ" khi nói đến  hai người giàu tiền và giàu gạo nhất trong tỉnh.

 

Người xưa có nói : "Ôn cố tri tân" : vậy thì, qua thời gian mà xét, nghĩa là đặt mình vảo những tháng năm của đầu thế kỷ 20, dưới thời Pháp thuộc, họ hàng chúng ta dã có dịp cọ xát với nền công  nghiệp cuả Âu châu và trong họ đã có một người đi tiên phong trong việc hấp thụ và áp dụng công kỷ nghệ hiện đại đó vào nông nghiệp, thực hiện bước tiến  đầu tiên trên con đường thay đổi định hướng cổ truyền.

Người đó là cha tôi, Ông BÙI Thống, thường được gọi là Ông Nghè Thống hay Ông Nghè Thu Bồn, đích tôn thế 16 của họ BÙI, người mà tôi muốn vinh danh trong ngày giổ hôm nay, ngày mà chúng ta kính cẩn tưởng niệm những bậc tiền bối ; nhân dịp nầy tôi sẽ mô tả sau đây những hoạt động trong lãnh vực công nghiệp ấy, những hoạt động mà con cháu hậu sinh ngày nay không bao nhiêu người biết đến.

 

Lúc sinh thời, đáng lẽ với tư cách là đích tôn, cha tôi phải lo cày cấy hương hỏa tạo lợi tức để thờ cúng tổ tiên theo tập tục cuả tiền bối; nhưng không, Ông đã giao trách nhiệm đó cho con trưởng và dâu trưởng là anh chị Bát Thương (Bùi khắc Tục, đích tôn, thế thứ 17 là anh Cả của tôi) để rảnh tay hoạt động trong một lãnh vực mới :  đó là việc dẩn thủy nhập điền có tính cách đại quy mô đối với thời đại và kiến thức lúc bấy giờ , để cung cấp nước cho nông dân trên một vùng rộng lớn gồm nhiều làng nhiều xã, không phải lệ thuộc vào thời tiết.

Để thực hiện mục đích đó, dự án đầu tiên của Ông là xây đắp đập Thạch Bàn, một công trình vĩ đại dụng ý tích trử nước trong mùa mưa rồi phân phối nước đó trong mùa nắng cho nông dân trong vùng, khác hẳn với kiến thức lúc bấy giờ là thực hiện những bánh xe gió (tiếng Pháp gọi là noria) múc nước sông đổ vào ruộng.

Lúc còn nhỏ, tôi  nghe Mẹ tôi kể lại rằng hằng trăm nhân công, ngày nầy qua ngày nọ, kẻ chặt bổi, người gánh đất để đắp đập mà Mẹ tôi phảỉ đảm đang phần tiếp liệu.

Than ôi ! không có chuyên viên  để làm cố vấn và kỹ thuật mà Ông biết lúc bấy giờ (một lớp đất, một lớp bổi) không đủ khả năng chống lại sức mạnh của thiên nhiên; sau một đêm mưa lớn, đập bị vỡ và gây ra nhiều thiệt hại mùa  màng mà Ông phải bồi thường thỏa đáng. Có người kể lại rằng sau khi nước xuống, nguời ta nhận thấy một số cá bị móc trên buội tre vì sức cuốn của nước từ đập vỡ chảy ra quá mạnh;  vì vậy trong dân gian đã có giai thoại là "với Ông Nghè Thống, cá leo lên buội tre ở ".

 

Để chứng minh là Ông đã thông hiểu địa hình và địa vật trước khi xây đắp đập, đã biết lựa chọn nơi thuận tiện nhầt để thiết kế đập, một thời gian sau đó, chính quyền Pháp lúc bấy giờ đã cho thực hiện đập Thạch Bàn , cái đập mà chúng ta  biết ngày  nay, chỉ cách năm mười thước nơi mà Ông đã lựa chọn.

 

Thua trận nầy bày trận khác vì con người có ý chí như Ông không thể ngồi yên để than thân trách phận.

Lần nầy, Ông đã thẳng tiến vào địa hạt công nghệ với những ý định tiền tiến đối với thời cuộc : Ông đã lập ra "BÙI THỐNG VỆ NÔNG CÔNG TY" với mục đích  thiết lập "Nhà Máy Bơm nước sông Thu Bồn" toạ lạc ở một nơi thuận tiện nhất  tại làng Phú Đa, máy bơm được một động cơ chạy bằng hơi nước vận chuyển (machine à vapeur), tương tự như những đầu máy xe lửa xuyên việt Sài gòn Hà nội một thời nào, xử dụng củi làm nhiên liệu. Nước bơm lên được đưa vào một hệ thống đường mương  chạy dài từ Phú Đa đến Thu Bồn để cung cấp nước cho nông dân.

Tôi còn nhớ, ban đêm đèn điện thắp sáng trưng trong và chung quanh nhà máy, tiếng máy chạy àm ỹ, tiếng nước tuôn từ ống ra với đường kinh 300 mm cùa máy bơm, chảy mạnh vào đầu mương như thác đổ, đối với tôi lúc đó là một cảnh tượng hãi hùng khiếp sợ.

Thử hỏi lúc bấy giờ, nghĩa là 80 năm về trước, ai là người hiểu rõ  hai chữ CÔNG TY là gì và ai lại không ngắm nghía và thán phục cái cảnh đèn đìện sáng trưng như ban ngày, ngay trong làng Phú Đa hẻo lánh nấy.

 

Sự lợi ích đem lại cho nông dân do BÙI THỐNG VỆ NÔNG CÔNG TY đề xướng và thực hiện đã được Chính phủ Nam Triều  đương thời tặng thưởng huy chương   Minh Nông Bội tinh  và được sắc tứ  Hàn Lâm Kiểm Bộ.

 

Vì lẽ Ông có thể cung cấp nước cho nông dân bất cứ lúc nào mà họ cần, dù có hạn hán đi nữa, cho nên họ đã cung kính tôn xưng Ông là "Ông Trời Con ".

 

Nói tóm lại, xét qua thời gian và trong bối cảnh lúc Ông sinh thời, chúng ta phải công nhận Ông  là người duy nhất trong dòng họ đã đi tiên phong trên đường công nghệ đó.

 

Ngày nay con cháu Bùi gia hiện diện trên nhiếu lãnh vực hiện đại : Thương mại, Khoa học, Y khoa, Điện toán, v.v. . . ; Kỹ sư cũng lắm, Bác sĩ, Dược sĩ, chuyên gia các loại cũng nhiều , đủ sức theo kịp đà tiến hoá cuả xã hội tiền tiến hiện đại. Họ đã tản mác khắp nơi trong nước cũng như trên thế giới, từ đồng quê đến thành thị, từ lục điạ Á châu, Âu châu qua lục địa Úc châu, Mỹ châu, chiếm được nhiều địa vị xã hội đáng kể. Tôi tưởng chúng ta cũng nên ghi nhớ là người con cháu của họ chúng ta đã đi tiên phong trong ngành khoa học cao cấp là Bác sĩ Bùi kiến Tín, thế thứ 17, lừng danh trên toàn tỉnh Quảng Nam  vì là người đầu tiên trong tình đậu Tú tài toàn phần Pháp (1932) và sau đó đã đậu Y khoa Bác sĩ Đại học dường Paris vào năm 1940.

Sau nầy, khi Phổ hệ ấn bản 2010 ra đời, chúng ta sẽ thấy điều nhận xét trên đây là sự thực qua các  thành đạt vẻ vang của con cháu, nhất là từ thế 17 trở đi, trên đường học vấn ở xứ người.

Từ nay, chúng ta sẽ không còn nghĩ là Họ Bùi Vĩnh Trinh là những nhà nông chân chính nữa ; họ Bùi cuả những thế hệ hiện nay cũng như trong tương lai là những thế hệ của công nghệ tiền tiến và chúng ta sẽ không quên người trong họ đã đi tiên phong là Ông Bùi Thống.

 

Ngày trở về nơi chôn nhau cắt rốn của con cháu chắc còn xa lắm hoặc có thể chẳng khi nào thực hiện được vì hoàn cảnh không thuận tiện.

 

Vì vậy, tháng tư năm 1999, con cháu Ông  đã hỏa thiêu tàn cốt và đã đem cải táng tại Nghĩa trang Lạc cảnh viên (Cedar Hill) ở tiểu ban  Maryland, Mỹ quốc, bên cạnh mộ của Bà đã được cải táng vài năm trước đó.

 

Tôi nghĩ rằng, một ngày nào đó, Cedar Hill có thể là nơi  cho những ai là con cháu của thế hệ mới muốn tìm cội rễ của Bùi Gia cấp tiến cận đại tại hải ngoại mà Ông Bùi Thống là người đã đi tiên phong cách đây gần 80 năm, cũng như trước kia Ông Tiền hiền BÙI Tấn Diên là cội rễ của BÙI Gia nông nghiệp khi ông xung phong vào Nam lập nghiệp.

 

Ở đời , người ta thường nói cái huy chương nào cũng có hai mặt : mặt phải và mặt trái (toute médaille a son revers).

Trong trường hợp của chúng ta, mặt phải là những gì tốt đẹp mà tôi đã trình bày trên đây.

Còn mặt trái là gì vậy ?

Thưa bà con,

Sự sinh sống kéo dài ở ngoại quốc làm cho con cái chúng ta quên dần đi cái gốc của chúng nó : dần dà, tiếng Việt tàn lụn  qua thời gian và phải nhìn nhận là các con cháu sinh trưởng trên nước người, có lẽ vì quá lo âu việc hội nhập, lần lữa quên đi cái gốc Á đông của mình.Tôi phải nói là tôi kính phuc người Trung Hoa đã biết bảo tồn văn hoá của họ qua không gian và thời gian; dầu định cư ở đâu cũng vậy, con cháu của họ biết viết và biết nói tiếng Trung Hoa, tại gia họ chỉ dùng tiếng Tàu; tuy vậy, họ cũng đã có thể hội nhập mau lẹ như chúng ta trong bất kỳ xứ sở  nào.

Còn con cháu người Việt mình thì có thể nói là rất ít gia đình còn giữ được nề nếp Á đông và con cái hiểu và viết tiếng Việt càng ngày càng hiếm. .

Tôi phải nhìn nhận là cái lỗi lớn là cha mẹ và trong những người phạm lỗi đó có tôi, nhưng tội cuả tôi có thể được thuyên giảm ít nhiều vì cả hai đời vợ của tôi đều là người ngọai quốc và tôi bắt buộc phải xử dụng tại gia tiếng Pháp.

Sự tranh đua để hội nhập càng sớm được chừng nào hay chừng ấy đã làm cho con cháu của họ chúng ta lãng quên việc bảo tồn văn hóa  nói trên đây.

Vì vậy, tôi rất thán phục một gia đình con cháu mà tôi biết rõ, đã giữ vững đuợc văn hoá đó : con cái không những nói mà viết tiếng Việt rành rõi, rành rõi đế nổi toà án xứ sở tại, đã nhiều lần  mời làm thông ngôn cho toà khi xét xử một việc liên hệ đến người Việt.

Tôi tự hỏi khi thế hệ của tôi và của anh Dương qua đời rồi thì ai là người đứng ra đảm trách việc bổ túc Phổ hệ cho những thế thứ sau nầy như chúng tôi đang thực hiện ngày nay.

Đấy là một ưu tư quan trọng trong tôi.

 

Mục đích thứ hai của chuyến về dự lễ giổ tổ ngày hôm nay là tôi muốn nhân dịp nầy giới thiệu cùng bà con cô dâu họ Bùi gốc Lào; tôi đâ tục huyền với bà ta từ năm 1979, nghĩa là 4 năm sau khi bà chính thất người gốc Âu của tôi đã bất hạnh tử nạn phi cơ ở An phú Đông cùng 3 con của tôi tháng tư năm 1975. Tôi rất tiếc là tình thế thời cuộc lúc bấy giờ  đã không cho tôi có dịp giới thiệu cùng bà con cô dâu gốc Âu đầu tiên cuả họ Bùi. Từ khi có phong trào dịnh cư ở ngoại quốc thì họ chúng ta đã có thêm một số khá nhiều cô dâu và chú rể gốc Âu Mỹ.

 

 To.

Xin cám ơn tất cả bà con.

 

 

Bùi văn Tố

 

 




Lượt truy cập: 522825
Powered by EasyVN