Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui
BÙI THUẦN

 

BÙI  THUẦN

(1899 - 1978)

----------O0O---------

 

Ông BÙI THUẦN, huý Văn Chế, tục danh: Ông CỬU LƯƠNG, tự: Tích Hy, sanh năm K. Hợi (1899) tại Vĩnh Trinh là thứ nam của Ngài Thị giảng Bùi thân và Bà Kế thất Nghi nhân Phạm Thị Thuận.

Vóc người nho nhã, nhân cách ôn hòa, thiên tư chánh trực. Lối sống bình dị, cần mẫn và linh động.

Năm M. Ngọ (1918) Ông kết hôn cùng Bà NGUYỄN THỊ NHUẾ hiệu Thiếu cơ, trưởng nữ của Ngài Cử nhân Nguyễn Đình Nhu, quê ở La Kham, Điện Bàn.

Cùng thời gian ấy Ông lên lập nghiệp tại làng Phú Nhuận để vừa quản trị vừa khuếch trương những cơ sở do Ngài Bùi Thân đã tạo được.

 

Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng Ông có chí kinh doanh lớn. Ông đã thực hiện nhiều điều cải tiến:

-         Ông cho đắp đập, dựng xe, dẫn thủy nhập điền để chuyển đất gieo thành ruộng cấy.

-         Vùng dễ ngập lụt, Ông cho trồng dâu, trồng mía hoặc đậu, khoai thu hoạch ngắn ngày. Nhờ vậy hoa lợi hằng năm thu về đáng kể.

          Bà thường giúp vốn cho nông dân mua trâu bò về nuôi, để vừa có phương tiện cày bừa, vừa có thêm phân bón.

Ông Bà đã tích cực trong việc làm ăn, nên chẳng bao lâu, đã gầy dựng được 1 dinh cơ khá đồ sộ.

 

Mặc dù bận lo khuếch trương sự nghiệp, Ông Bà vẫn không quên các công tác xã hội như:

-         Tu sửa cầu cống, đường sá, giếng nước uống dùng chung cho cả xóm.

-         Cùng làng xây cất trường học, để có nơi con trẻ học hành.

-         Đóng góp trùng tu miếu vũ, đình chùa để có nơi thờ phụng Thần linh, bảo tồn di tích.

-         Trợ giúp đồng bào những khi thiên tai, thủy lạo …

 

Một nghịch cảnh bất ngờ đã đến với Ông ! Bà đã lâm trọng bịnh, và từ trần tại phố Hội An ngày 28-01-G. Tuất (1934). Ông Bà đã sinh hạ được 9 người con (3 trai, 3 gái và 3 ấu vong). Trước cảnh nhà quá đơn chiếc, con dại một đàn, Ông đành phải tục huyền cùng Bà PHẠM THỊ PHONG, ái nữ của Ngài Đề Lại Phạm Mẫn, quê ở Thanh Chiêm vào cuối năm Giáp Tuất. Bà người ôn hòa, cần mẫn, đã tỏ ra rất khéo léo trong việc đối xử với gia đình, thôn xóm và đã giúp đỡ Ông nhiều trong vấn đề phát triển cơ ngơi.

Năm 1940 đời sống nông thôn gặp lúc khó khăn, nông sản ế ẩm ! Ông cùng một số anh em đầu tư vào ngành dệt, sản xuất hàng tơ tầm bán vào Sài Gòn, Nam Vang rất chạy. Tiếc thay, thời hưng thịnh chỉ kéo dài đến mùa thu 1945, vì cuộc thế đổi thay đành phải ngưng hoạt động.

Năm 1947 khi chiến tranh lan tràn khắp nước, gia đình Ông đều tản cư lên Dùi Chiêng, 1 vùng núi non hiểm trở, thuộc quận Quế Sơn để lánh giặc. Mãi đến năm 1951 gia đình mới hồi cư và tiếp tục lại nếp sống nông tang cũ.

Từ năm 1952-1954, bao trăn trở và ray rức dồn dập đến với đời Ông. Điều đáng kính phục nhất là mọi sự việc dẫu khó khăn đến đâu, Ông vẫn luôn luôn bình tĩnh, chủ động trong mọi tình huống.

Năm 1952 chiến tranh đã cướp đi một thứ nam của Ông !

Năm 1953 nhà cửa của Ông đều bị phá hủy hoàn toàn.

Năm 1959 Ông bà rời quê, xuống Hội An mua nhà để ở. Mãi đến năm 1968 Ông Bà dứt khoát rời bỏ ruộng vườn vào Sài Gòn sống cùng con cháu. Đến năm 1970 Ông chọn được một nơi vừa ý, tự trông nom xây cất 1 căn nhà ở ngoại ô Sài Gòn thuộc quận Tân Bình, để tìm lại những năm tháng nghỉ ngơi của tuổi già.

 

Sức khỏe Ông những năm sau nầy có phần yếu đi, song việc Tộc, việc Phái không lúc nào thiếu tiếng nói của Ông.

Ông rất quan tâm đến việc làm Phổ hệ của Tộc. Ông thường nói với các con cháu: “Muốn bảo vệ cái truyền thống quý báu của Tổ tiên, thắt chặt thêm tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, các chú hãy cố gắng thực hiện cho bằng được quyển Phổ hệ Tộc mình”.

Rồi từ đấy suốt mấy năm liền, với sự góp sức tích cực trên nhiều mặt của 1 số đông con cháu, quyển Phổ hệ của Tộc đã hoàn thành.

Vào đầu năm Â. Mão (1975) Ông vô cùng vui sướng khi đón nhận quyển Phổ hệ đầu tiên do người cháu là Ông Bùi Thường đem đến kính biếu Ông.

Năm M. Ngọ (1978) ngày 29-06, trước giờ phút lâm chung, Ông vẫn còn nói năng minh mẫn. Vào cuối giờ Tỵ (11 giờ) Ông đã nhẹ nhàng vĩnh viễn ra đi ! hưởng thọ 80 tuổi.

Sau Ông 7 năm, Bà Kế thất PHẠM THỊ PHONG P/danh Quảng thông đã qua đời vào ngày 05-07-Â. Sửu (1985) thọ 72 tuổi.

Ông Bà sinh hạ được 3 gái và 2 trai.

 

Tang lễ Ông Bà đều cử hành theo nghi thức Trà Tỳ của Ấn Độ, thể theo ý nguyện lúc sinh thời. Vì vậy mà ngày nay con cháu không tìm thấy phần mộ của Ông Bà.

 

Đời tan giấc mộng mơ an phận

Cực lạc hướng lên thấy Phật Đà

 

Ông là người kế thừa xứng đáng với sự nghiệp của cha ông. Vừa giao tiếp hòa đồng, vừa luôn luôn học hỏi để nâng mình ngang tầm cuộc sống, Ông quả là một ngọn đuốc dẫn đường cho con cháu chúng ta sau này vậy.

 




Lượt truy cập: 522366
Powered by EasyVN