Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui
BÙI THỊ PHÁP

 

BÙI  THỊ  PHÁP

(1895 - 1979)

----------O0O---------

 

BÙI THỊ PHÁP, tục danh Bà CỬU TUNG, Pháp danh Diệu Phước, sanh năm Ấ. Mùi (1895) là thứ nữ của Ngài Thị giảng Bùi Thân và Bà Kế thất Nghi nhân Phạm Thị Thuận.

Năm lên 17 tuổi, Bà kết duyên cùng Ô. PHAN THÁM, trưởng nam của Ngài Tú tài Phan Tuyên ở Cổ Tháp.

Ngài Bùi Thân và Ngài Phan Tuyên vốn là bạn học, rồi trở thành bạn thân – bạn việc đời, bạn việc nước – cuối cùng ưng ý làm sui với nhau.

 

Bà cần mẫn, ôn hòa, thông minh. Làm dâu vào một gia đình Nho học, với sự hướng dẫn tận tình của nhà chồng, Bà đã trở thành người dâu hiền, người vợ đảm, nuôi con giỏi, dạy con ngoan. Bà quán xuyến mọi việc trong gia đình từ việc nông tang, bán buôn, giao tế, đến việc nội trợ, tề gia

Bà đã góp công lớn trong việc làm giàu, tạo thêm ruộng đất. Bà có biệt tài về quản lý, kinh doanh; Ông có nhiều kinh nghiệm trong ngành xây cất. Hai Ông Bà đã hợp lực kiến thiết một dinh cơ khá qui mô tráng lệ.

 

Nhà thờ Phái và một số lớn phần mộ của Tiền nhân đều được Bà và một số anh em trong Phái lo thực hiện và hoàn thành chu đáo.

Về việc công ích, Ông Bà đã tham gia tích cực vào việc kiến thiết đình làng Cổ Tháp, rước thầy về dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ – để nâng cao dân trí trong làng -, sửa chữa và mở mang đường sá, đào giếng nước trong xóm, rước thầy thuốc về làng, mở tiệm thuốc bắc vừa chẩn trị vừa bán thuốc giúp dân.

 

Cuộc sống hằng ngày của hai Ông Bà thật là hạnh phúc:

 

“Trong gia thất hết lòng hòa hiệp;

Chốn khuê môn giữ đạo xướng tùy”

 

Bà ưa thích và khích lệ các cuộc sinh hoạt văn hóa cổ truyền như: hát bộ, hát hò giao duyên lúc giã gạo, giã vôi làm nhà, sắc bùa vào dịp đầu xuân, xem xiếc hoặc xem đấu võ …

Ông Bà đã sinh hạ được 12 người con: 7 trai, 3 gái và 2 ấu vong. Ông mất trước Bà 10 năm. Lúc vãn niên (1975-1979) Bà không được vui bằng những năm trước. Bệnh già khiến Bà ngày một yếu đi ! Những năm cuối cùng, Bà về sống với người con trưởng tại Sài Gòn và tại đây, ngày 21 –01-K. Mùi (1979) vào giờ Ngọ, Bà đã nhẹ nhàng vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 85 tuổi, an táng tại nghĩa trang T.V.A.H Gò Dưa, Thủ Đức.

 

Cuộc đời Bà là một tấm gương sáng cho con cháu.

 

Xin xem bài Nhớ Mẹ thương thân, nỗi lòng của người thứ nam – Ô. Phan Ngô – nhớ Bà trong phần Phụ lục.




Lượt truy cập: 522380
Powered by EasyVN