Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

 

BÙI  THIỆN

(1872 - 1948)

----------O0O---------

 

Ông BÙI THIỆN, tục danh: Ông KIỂM BA, sinh năm N. Thân, 1872, thuộc thế thứ 15 của Bùi Tộc Vĩnh Trinh.

Ông là thứ nam của Ngài Bùi V Phán (tục danh Ông Thủ Quỵ) và Bà Trần Thị Phụng.

 

Anh em Ông gồm có: 5 trai, 3 gái. Ông là con thứ ba trong gia đình, mồ côi cha mẹ ở tuổi 16. Anh cả Ông là Ô. Bùi Thạc (Ô. Thủ Thạc) ở tuổi 19, em gái út Ông là Bà Bùi Thị Mót (Bà Xã Trâm) vừa mới lên 3, khi song thân qua đời. Tuy gặp nghịch cảnh, song anh em Ông đã lớn lên trong sự hướng dẫn ân cần và sự bảo trợ nhiệt tình của vị Bá phụ là Ngài Bùi Thân (Ô. Quản Nghi) (1) một nhà phú hào có hạng ở xứ Quảng.

 

Sinh trong gia đình có truyền thống Nho giáo, lúc nhỏ Ông theo học chữ Hán, đọc thông, viết thạo. Tuy không có điều kiện theo đòi nghiên bút xa hơn, nhưng với tư chất thông minh, học ít biết nhiều, Ông đã được bà con, bạn bè mến nể.

Suốt cả khoảng đời thanh thiếu niên, nhờ được gần gũi ông Bác – mà Ông hằng kính mến như cha – Ông đã hấp thụ được nếp sống cần kiệm, tính kiên nhẫn, chí tiến thủ và nhất là cách lập thân xử thế của người.

 

Vào độ trung niên – năm 30 tuổi – Ông mới lập gia đình, kết duyên cùng Bà PHAN THỊ QUYÊN, quê ở Bảo An, Điện Bàn, hiền muội của nhà Đại ái quốc Phan thành Tài, một Liệt sĩ trong phong trào Duy Tân chống Pháp. Bà là một phụ nữ thông minh, hiền đức. Trong thành tựu cơ ngơi của chồng, Bà đã góp phần không nhỏ.

 

Sau khi có gia thất, Ông được Bá phụ ủy thác trông coi, quản trị tài sản – một vùng ruộng đất tại Phú Nhuận – cách nguyên quán độ mươi cây số. Và cũng từ đấy, Ông bắt đầu xây dựng sự nghiệp bằng nghề nông. Tuy là dân ngụ cư, nhưng nhờ tính tình ôn hòa, thường quan niệm “dĩ đức phục nhân”, nên chẳng bao lâu, Ông đã gây được cảm tình với người địa phương và hòa mình dễ dàng với đồng bào trong lân lý.

 

Ông vốn thích sùng Nho trọng sĩ. Trong số những người Ông giao du thân thiết có thể kể những người thân thuộc như các Ông Cử nhân Bùi Hữu Chí, Tú tài Bùi Giác hay các bạn hữu như Ô. Hà Bật ở Điện Bàn, Ô. Trần Thượng Tiết ở Duy Xuyên, Ô. Nguyễn phiên ở Tam Kỳ v.v … đều là những nhà khoa mục hoặc những bậc thâm Nho.

Ông Bà sinh hạ được 4 trai, 1 gái và 3 ấu vong.

Ông cũng có một nhận định thức thời. Tuy sống ở nông thôn, Ông đã khắc phục mọi khó khăn, cố gắng sớm cho 2 người con trai lớn xuống Hội An rồi ra Huế – một việc không phải phổ thông vào lúc bấy giờ – để theo trào lưu Tân học, tiếp thu nền văn hóa và học thuật mới du nhập từ Tây phương. Kết quả là trưởng nam – Ô. Bùi thế Mỹ – đã từng là một nhà ngôn luận lỗi lạc trong làng văn bút vào thời tiền chiến và thứ nam – Ô. Bùi tư Nguyên – là nhà Tân học phát khoa ở trong vùng.

 

Ông mất ngày 05-04-M. Tý (1948), thọ 77 tuổi, mộ táng tại xứ Cà Dinh, Phú Nhuận. Bà qua đời ngày 14-05-Đ. Mùi (1967) thọ 84 tuổi, táng tại Sơn Phong, Hiếu Nhơn, Hội An.

 

Ghi chú:

 

(1) :   Để tỏ lòng biết ơn đối với vị Bá phụ, khi Ô. Quẫn mất, các anh em Ông đã có đọc điếu văn tế Bác – do con trai Ông là Ông Bùi Thế Mỹ soạn – trong đó có câu:

 

“Phận các cháu từ thung huyên bóng khuất, điều thiệt hơn ai chỉ bảo, nghĩ ơn sâu Bác cũng như cha … “

 

 




Lượt truy cập: 522377
Powered by EasyVN