Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

 

BÙI  THẾ  MỸ

(1904 - 1943)

----------O0O---------

 

Ông BÙI THẾ MỸ là trưởng nam của Ông Bùi Thiện và Bà Phan Thị Quyên.

 

Ông là một nhà ngôn luận cang cường, lỗi lạc, vang tiếng cả Trung, Nam, Bắc vào đầu thế kỷ thứ 20.

 

Để có một sự nhận xét khách quan, chúng tôi xin mạn phép mượn đoạn văn sau đây trích từ Lời Phi lộ của Hương giang Thái văn Kiểm trong tập Giòng Thời Gian đã viết về ký giả tài ba đó:

 

BÙI THẾ MỸ (1904-1943) bút tự Lan Đình, tự Hy Tô, từ nhỏ đã tỏ ra rất thông minh, dĩnh ngộ. Học ở lớp nào, Ông cũng luôn luôn chiếm 3 hạng đầu.

 

Ông đã rời quê hương từ đầu năm 1923, với một hành lý văn học Đông Tây khá vững vàng và đã mạnh dạn vào nam để tìm đất dụng võ. Bùi quân đã may mắn gặp được những văn hữu và đồng chí … để rồi cùng nhau lăn xả vào làng văn, làng báo, lấy “ba tấc lưỡi mà gươm mà giáo, một bút long mà kiếm, mà đao” làm cho thực dân cầm quyền bao phen mệt nhọc.

 

Bùi Thế Mỹ là một ký giả cự phách của làng báo Nam Việt trong thời kỳ tiền chiến, một kiện tướng thuộc thế hệ Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhứt, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Bá, v.v … những chiến sĩ có lý tưởng quốc gia, muốn dùng ngòi bút để phổ biến những tư tưởng tự do, dân chủ, trình bày lập trường của một dân tộc đang bị đô hộ, muốn đập tan xiềng xích, để vương mình lên sống mạnh theo truyền thống của một dân tộc đã từng có một lịch sử vẻ vang.

 

Suốt trong 21 năm, từ 1923 cho tới 1943, Bùi Thế Mỹ đã cộng tác thường xuyên với các báo chí như: Tân Thế kỷ, Kỳ Lân báo, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Trung Lập báo, Phụ nữ Tân văn, Công Luận báo, Điện Tín, Dân Báo v.v …

 

Sau đây xin trích đôi câu phúng đối đã phản ảnh sự nghiệp đấu tranh của Bùi Thế Mỹ trên đường ngôn luận dưới thời Pháp thuộc.

 

- Câu đối của cụ Mính viên Huỳnh Thúc Kháng khóc Bùi Thế Mỹ (đăng trong báo Tiếng Dân):

 

QUỐC VĂN BÁO GIỚI NHỊ THẬP TẢI VU KIM,

 

 

ĐƯƠNG ĐẮC BẰNG TRÙ THÔI LÃO KIỆN;

 

 

NGUYỆT ĐÁN CHÂU BÌNH NGŨ HÀNH SƠN DU TÍCH,

 

 

KHẰNG GIAO BÚT THIỆP KHUẤT NHÂN TÀI

 

 

- Câu đối của một đồng nghiệp ở Hà Thành đã vô cùng luyến tiếc nhà ngôn luận can trường:

 

MƯỜI LĂM NĂM BỀN CHÍ NHÀ VĂN,

LẤY MIỆNG LÀM TRỐNG, LƯỠI LÀM CHUÔNG,

REO HÒ KẺ NGỦ NGƯỜI SAY,

NHÂN SỰ CHƯA XONG NGÒI BÚT THÉP;

 

BỐN CHỤC TUỔI LÁNH MÌNH LẦU HẠC,

NHẸ GÓT THEO TIÊN, THÂN THEO PHẬT,

ĐỦNG ĐỈNH NON BỒNG NƯỚC NHƯỢC,

TRẦN AI ĐỂ LẠI TẤM LÒNG SON.

 

 

BÙI THẾ MỸ 

(Tìm thêm thông tin trong google: mục từ “Bùi Thế Mỹ”)

 

Bùi Thế Mỹ (1904 - 1943) là Nhà văn, kí giả hiện đại, hiệu Lan Đình, Thông Reo; quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông vốn thuộc hàng cự phách trong làng báo miền Nam. Bắt đầu chủ trương Đông Pháp thời báo thay Nam Kiều Trần Huy Liệu. Rồi từng làm chủ bút các báo Trung lập, Tân Thế Kỉ, Thần Chung, và chủ nhiệm tờ Dân báo. Khi mới bắt đầu làm thơ, viết văn ông kí hiệu là Thông Reo, về sau khi làm chủ bút tờ nhật báo Điện tín ông mới đổi hiệu là Lan Đình.

Sự nghiệp làm báo của ông, có phần nào công sức đóng góp của người bạn đời ông là nữ sĩ Phương Lan, tên tộc là Nguyễn Thị Lánh, tục gọi cô giáo Lánh, quê ở Cù lao Hổ, Long Xuyên.

Năm Bính tí 1936, ông bị Thống đốc Pagès kí nghị định trục xuất về miền Trung một lượt với Diệp Văn Kỳ. Sau, ông trở vào Nam làm chủ bút tờ Điện tín, càng lúc càng nổi tiếng hơn trước.

Đến năm Quí mùi 1943, ngày 27 tháng 3, ông mất nơi nhà riêng ở Sài Gòn mới 39 tuổi, trong niềm thương tiếc của giới báo chí thời đó.

Ông còn để lại đời một tác phẩm dịch Trà hoa vũ (La Dame aux camélias) và một tác phẩm khảo luận Vai tuồng của nhà gõ đầu trẻ.

Chính ông đã viết một loạt bài nghiêm khắc tố cáo sự gian lận của các nhà văn bịp bợm, làm tay sai cho thực dân Pháp được dư luận hoan nghênh.

Ông từng bảo bạn là Thiếu Sơn:

"Trong đời này thiếu gì kẻ cờ gian bạc lận, nhưng tôi không tha thứ cho bọn gian lận kiếm ăn trên địa hạt văn chương".

(Nguồn : Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế)

 

Đề Bức Tranh Tùng Lộc

 

Chiều mát dạo rừng còi,

Bên khe đất một đồi.

Đội trời đạp đất đứng,

Dương sừng trợn mắt coi.

Cỏ hoa chen lẫn bóng,

Cây đá lợp trong ngoài.

Nước, núi, mây một sắc,

Chi xiết dạ ai hoài !

 

Bùi Thế Mỹ

Kỳ Lân báo 1927


Kìa ... Kìa ... Nghe Tiếng Chuông Mai

 

                   

 Rảnh rang lên tiếng gọi đời,

          Bỏ khi lửa đốt, bỏ hồi than nung.

          Đã kêu, kêu khắp Tây, Đông

          Sông Ngưu sóng dậy, nùi Nùng cây lay !

 

          Văn chung tức khởi

          Bạn ta ơi ! chỗi dậy kẻo trưa rồi.

          Kìa ai đương xô xát bốn phương trời,

          Mà ai vẫn chưa thôi cơn túy mộng.

          Nhật dĩ xuất hề chung dĩ động,

          Khuyến quân cấp khởi, khởi văn chung

          Chuông gọi hồn:

          Khoan nhặt tiếng boong boong.

          Dậy ! dậy ! dậy ! trông nước tổ.

          Ai gầy dựng giang sơn cẩm tú ?

          Mà ai đành nằm ngủ hỡi chăng ai ?

          Kìa, kìa nghe tiếng chuông mai ...

 

Bùi Thế Mỹ


Cảm Tác

 

Chưa dứt tai kia, đến nạn nầy !

Trời già, ông định thử tôi vay ?

Thân cò, đã lắm phen xuôi ngược,

Sức ngựa, nài bao dặm vắn dài.

Dâu bể, ví mà xoay đến nỗi,

Đá vàng, quyết chẳng phụ cùng ai !

Hai mươi lẻ tám thu nay mới,

Gặp đặng người tôi ước những ngày.

 

Bùi Thế Mỹ

Xuân 1932


Xuân Hứng

                  

                                Cỏi trần từ mới có ta,

                       Một xuân nầy nữa đã là ba mươi.

                                Trăm năm trong hạn người đời,

                       Được bao nhiêu hãy vui cười bấy nhiêu.

 

                                  Thế sự phù vân hà túc toán

                       Lo mà chi, buồn chán nữa mà chi

                       Gánh phong trần vai những nặng tri tri,

                       Cũng nên dứt ưu ty cho nhẹ bớt.

                                  Tế suy vật lý tu hành lạc,

                                  Hà dụng phiền lao khổ thử thân

 

                       Ừ, thôi thì, khi đêm mưa, khi lá rụng,

                       Cơn gió hạ, lúc mưa xuân,

                       Theo tuế tự truy hoan cùng tạo vật.

                       Chơi cũng mất, không chơi cũng mất,

                       Cái niên hoa thấm thoát có chờ ai ?

                       Mừng xuân ta lại cứ say !

 

Bùi Thế Mỹ

Xuân Quý Dậu 1933


Ngạo Đời

 

Tớ vẫn hay mang tiếng ngạo đời,

Mà ai có biết tớ khinh ai ?

Khinh người lắm của, mà thờ của,

Khinh kẻ cao ngôi, chẳng xứng ngôi.

Khinh ả chung tình, chung cửa miệng,

Khinh chàng ái quốc, ái đầu môi.

Tớ khinh đại để là khinh thế,

Đâu giám khinh chi cả mọi người.

 

Bùi Thế Mỹ

Tân Thế kỷ 1924


Học Đường Cảm Tác

 

Trong mấy năm trời, dạy trẻ em,

Quê người, đất khách, tủi thân hèn.

Ngọt, bùi, chua, chát, mùi từng trải,

Danh lợi, giàu sang, giấc chả thèm.

Vinh nhục, nhục vinh, đà lắm nỗi,

Thị phi, phi thị, biết bao phen.

Thiệt vàng vô lửa càng kheo sắc,

Bùn đục cười ai cố nhuộm sen !

 

Nữ sĩ Phương Lan

(phu nhân của Bùi Thế Mỹ)

 

 

 

 




Lượt truy cập: 522384
Powered by EasyVN