Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

 

BÙI  THÂN

(1844 - 1924)

----------O0O---------

 

A- Thân thế:

 

Ngài BÙI THÂN, tự: Chuyên Thơ, tục danh: Ông QUẢN NGHI, Hàn Lâm viện Thị giảng, sinh giờ Tý ngày 15-07-Giáp Thìn (1844), dưới thời Thiệu Trị, là con của Ngài Phụng Nghị Đại phu Bùi văn Kiết và Bà kế thất Nghi nhân Phạm thị Phụng.

Mất cha lúc lên 5 tuổi, mồ côi mẹ năm lên 3 tuổi, Ngài được vị thúc phụ là Ngài Tú tài Bùi văn Thỉ chăm nom, nuôi nấng và được ông anh rể là Ông Cử nhân Phan văn Diên gia công dạy vẽ.

 

Về thể chất, Ngài là người tầm vóc trung bình, mắt sáng râu thưa, đi lại nhanh nhẹn, giọng nói to và thanh, luôn luôn tươi cười hòa nhã.

Về tinh thần, Ngài là người cần mẫn, cương nghị, có óc kinh doanh, giao thiệp rộng, chăm lo đèn sách cốt để làm người chứ không vì khoa bảng (1).

Ngài rất được bậc tôn sư là Ngài Ngũ khoa Tú tài Phan thế Nguyên ở Cổ Tháp và các bậc đồng song như các ông Tú tài: Nguyễn doãn Thăng ở An Lâm, Nguyễn Thạc ở Lệ Trạch, Nguyễn Hàn ở La Tháp, Ngô Học ở Tân Phong … quý mến.

 

Tuy gặp nghịch cảnh, Ngài không bao giờ ngã lòng, nản chí. Trái lại, Ngài quyết tự cường, tự lập để nối nghiệp Tiền nhân. "Thông minh vốn sẵn tư trời", Ngài học một hiểu mười, nhất là Ngài thấu triệt thế thái, nhân tình, biết trọng người tài, ưa nghe lời trung chính, nên đến đâu ai cũng mến phục.

 

Cơ sở đầu tiên của Ngài thiết lập tại An Lâm. Ngài bị hỏa hoạn gần khánh tận gia cang (2), nhưng ngọn lửa kia dường như nung luyện thêm ý chí phấn đấu của Ngài.

Ngài bèn dời về ấp Bàu Cùng, thôn Vĩnh Trinh, dương cơ tọa lạc giữa một đồng ruộng lớn, phía tả có dãy triền Đồng Ngạch, bên hữu có khu đồi Gò Thị, xa xa có dòng nước khe Vĩnh Trinh lượn khúc uốn quanh, trông thật hữu tình (3). Và với chí tiến thủ không ngừng, Ngài đã xây dựng được đại nghiệp từ đấy.

 

B- HÔN PHỐI:

 

Về đích phòng, Ngài chánh phối với Bà ĐẶNG THỊ SUNG, người đồng hương và sinh hạ được 5 nam, 2 nữ và 3 ấu vong. (4)

Về kế phòng, Ngài kế phối với Bà PHẠM THỊ THUẬN, người làng Chiêm Sơn và sinh hạ được 3 nam, 4 nữ và 4 ấu vong. (5)

Ngài cũng có một thứ thất là Bà NGUYỄN THỊ ĐỆ, người làng Phú Hanh Đông và sinh hạ được 1 nam, 1 nữ.

 

C- SỰ NGHIỆP:

 

Thừa hưởng di sản của Tiền nhân độ 10 mẫu hương hỏa, nhưng với tính nhẫn nại, lòng tự tín và nhất là hội đủ cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nên chỉ trong khoảng 30 năm, Ngài đã xây dựng một sản nghiệp trên 3000 mẫu ở rải rác khắp nhiều huyện trong tỉnh. Di sản này đã lần lượt được trích hứa theo phân thơ cho con trong ba đợt vào những năm Thành Thái 8, Duy Tân 4 và Bảo Đại nguyên:

"Chốn chân ngựa, cửa nhà đi dễ khắp;

Thẳng cánh cò, ruộng đất biết là bao !"

(Trích Điếu văn của Bùi thế Mỹ)

 

Là một nông gia tạo lập sự nghiệp theo đường lối vương đạo, Ngài rất nhiệt tâm đối với những việc nghĩa cử:

Về công tác kiến tạo, Ngài đã:

- Tái thiết nhà thờ Tứ thân tại An Lâm năm Ất Mùi, 1895

- Sùng tu Đình Châu (Đình Lục thôn) năm M. Tuất, 1898.

- Lạc cúng tư điền và lạc quyên để dựng lên Văn Thánh (6) và trường Huấn huyện Duy Xuyên, cùng năm nói trên.

- Kiến thiết nhà thờ Tiền Hiền năm Nhâm Tuất 1922.

- Xướng suất việc xây Đình Vĩnh Trinh, xây mộ Tiền Hiền và tu tạo các miếu vũ trong thôn ấp … năm G. Tý, 1924.

 

Về phương diện kinh tế, nhận thấy thủy lợi tối cần thiết đối với nông nghiệp, nên Ngài đã cho cơi đập Vĩnh Trinh - thuở bấy giờ đập phải đắp hàng năm bằng gai, bổi, ngăn đoạn khe chảy băng qua làng - để đời sống nông dân được cải thiện.

 

Về công tác tu kiều, bồi lộ, Ngài đề xướng và tham gia đắc lực vào việc mở rộng hương lộ và hướng dẫn người cháu là Ông Nghè Địch đứng ra xây cất Cầu Cao làm cho ruộng nương khỏi bị ủng thủy và sự giao thông thêm phần tiện lợi.

 

Về mặt xã hội, Ngài đã "quyên ngân cấu mãi thư tịch" và xung phong xin mở cuộc chẩn thại để cứu trợ đồng bào sau trận lụt năm Ất Tỵ, 1905, nên Triều đình Huế đã truy tặng thân phụ Ngài lúc đầu Chánh Thất phẩm văn giai (7), sau lại Chánh Ngũ phẩm văn giai Phụng nghị Đại phu. Riêng Ngài, thì năm khải Định thứ 9, được truy tặng Phụng thành Đại phu Hàn lâm viện Thị giảng mà trong Sắc phong có câu:

"Nam quận lương gia,

Sài giang phủ hộ"

 

Với tinh thần Mạnh Thường quân, Ngài thường giúp đỡ những người làm ăn cần mẫn (8), Ngài đã ủng hộ các bậc hàn nho tuấn tú. Tình Quản Bảo giữa Ngài và các cụ Song Bảng Nguyễn Khải ở Long Xuyên, Tiến sĩ Hồ Trung Lượng ở An Dưỡng, Cử nhân Văn phú Trừng ở Mỹ Xuyên, Tú tài Phan Tuyên ở Cổ Tháp v.v… thật là thắm thiết (9).

 

Ngài cũng là hội viên Hội Như Tây du học, góp phần tán trợ thiết thực du học sinh về mặt tài chánh. Cũng với tinh thần khuyến học, ngay trong chúc thư, Ngài đã trí một số lớn ruộng đất với mục đích cụ thể như sau: "Tiền dưỡng lão, hậu tống chung, tồn cang lưu vi bổn Phái Xuân Thu, học điền, thù tạc vãng lai chi sự".

 

Đặc biệt nhất, Ngài đã ủng hộ kín đáo các phong trào ái quốc như vụ dân nổi lên khất sưu ở Nam Ngãi (1908), vụ vua Duy Tân mưu đồ độc lập (1916). Chính vì phong trào này thất bại mà nghĩa tế của Ngài là nhà Ái quốc Phan thành Tài đã bị án tử hình và các cháu nội của Ngài như các Ông Bùi Thống và Ông Bùi Huýnh đều bị cường quyền đương thời theo dõi khủng bố.

 

Ngài cũng sắp đặt cho cháu nội là Ông Bùi quang Hân theo cụ Tiến sĩ Trần Quý Cáp xuất dương du học. Nhưng rất tiếc công việc chưa thành thì nhà cách mạng họ Trần bị bắt.

 

Bình sinh Ngài thường lấy thi, thơ, lễ, nhạc làm phương châm cho thuật tề gia, xử thế (10).

 

Ngài mất vào giờ Tuất ngày 05-06-Giáp Tý (1924), hưởng thọ 81 tuổi (11) giữa sự mến tiếc của mọi người (12).

 

Tóm lại thân thế và sự nghiệp của Ngài là một tấm gương sáng cho con cháu nội ngoại soi chung.

Ước mong sao người sau thừa kế và phát huy được tinh thần tự cường, tự lực, quảng đại, hào phóng của Tiền nhân.

 

 

 

 

Chú thích:

 

(1)     Để diễn tả sở nguyện lập chí của Ngài từ lúc thiếu niên, ký giả Bùi Thế Mỹ đã có câu trong điếu văn như sau:

"Buổi thiếu tuế không mang tâm khoa bảng, tánh tình đạo dưỡng, nghiệp nhà Nho câu đối câu ngâm;

Lúc tráng niên lo lập chí kinh doanh, quận hạt thanh truyền, đường giao tiếp lắm bầu lắm bạn".

 

(2)     Tương truyền rằng trong lúc nhà cháy, người ta chạy đến chữa, thì thấy vợ chồng Ngài chỉ đẩy ra được một cái rương xe và Ngài thản nhiên bảo:"Tái ông thất mã, yên tri phi phúc ?"

 

(3)     Có giai thoại rằng: Một hôm Ngài đi câu cá với Ông anh rễ là Ông Cử Diên tại một cái bàu ở xóm Sếu trong làng Vĩnh Trinh. Ông Cử tinh thông địa lý, ngắm nghía khu vườn hoang gần đấy, thấy sơn thủy hữu tình, bèn khuyên Ngài nên chọn nơi đó làm dương cơ. Khu vườn này bỏ hoang đã lâu đời, vì dân làng cho rằng do cây đòn dông Đình làng đâm thẳng vào, nên ngày trước những ai ở đấy đều bị tiêu vong cả. Nhưng Ngài tin ở đại mạng của mình, cho rằng vật hữu sở chủ, bèn mạnh dạn dời nhà về khu vườn hoang đó. Một sự ngẫu nhiên rất kỳ diệu là chỉ trong khoảng 3 tháng sau, bỗng dưng làng quyết định dời Đình đi nơi khác và quả nhiên Ngài đã gặp mọi sự hanh thông, thịnh đạt tại đấy, thật là đúng với câu:

"Lạ lùng thay chí khí việt nhân;

To tác bấy cơ đồ hy hữu !"

(Trích Điếu văn)

 

(4)     Ông Bùi văn Câu,       K. Mão     (1879)                                 Ông Bùi Huân       thọ tự

Bà Bùi thị Đương       Q. Mùi      (1883)                                 Ông Bùi Lễ           -  -  -

Bà Bùi thị Thông        Đ. Hợi       (1887)                                 Ông Bùi Duy         -  -  -

Ông Bùi văn Nhỏ       T. Mão     (1891), kỵ 17-2 Â.L           Ông Bùi Thiệu       -  -  -

 

(5)     Bà Bùi thị Tề,             Q. Tỵ        (1899)                                 Ông Bùi Xước      thọ tự

Ông Bùi văn Cang      N. Dần      (1902), kỵ 10-10 Â.L         Ông Bùi Quán       -  -  -

Bà Bùi thị Tàu            Â. Tỵ        (1903), kỵ 26-02 Â.L         Ông Bùi Thuần      -  -  -

 

(6)     Để táng dương sự ủng hộ của Ngài, quan thân huyện Duy Xuyên có mừng Ngài câu đối như sau:

 

Ngô   đạo   đống   lương   tham   lực   tán

 

Quân    môn   xa      khánh   giai   thăng

 

(7)     Trong dịp lễ Sắc Thất phẩm, có rất nhiều câu đối mừng mà một số còn được truyền tụng lại (xin xem phần Phụ lục).

 

(8)      Tính hay giúp người của Ngài đã được thể hiện qua câu này trong Điếu văn:

"Giàu tiền của lại giàu lòng nhân đức

Sẵn tài năng lại sẵn tánh ôn hòa".

 

(9)     Tình bằng hữu thâm giao giữa Ngài và các bậc danh Nho đương thời được biểu lộ hùng hồn qua Điếu văn của Cụ Song Bảng Tham tri Nguyễn Khải (xin xem phần Phụ lục).

 

(10)   Ngày trước, trên bàn thờ Gia tiên, hai bên chữ Phước viết thật lớn, Ngài có cho treo câu đối:

 

Lễ  nhạc  truyền  gia  viễn;

 

Thi  thơ  xử  thế  trường.

 

(11)   Những câu sau đây (trích trong Điếu văn) giúp ta nhớ ngày tạ thế cùng tuổi thọ của Ngài:

"Phút bữa mồng năm tháng sáu, ngựa bỗng qua,

thoi bỗng trở, đèn bỗng tạt ngọn bóng lu ly;

Vừa tuần tám mốt tuổi dư, Tiên khéo rước,

Phật khéo mời, ông khéo tách đường mây nhẹ nhẹ !"

 

hay:

"Ngày mồng năm tháng sáu trở tay chưa kịp,

phút đà hạc giá tiên du;

Tuổi chín mươi thiếu chín mình ngọc đương tươi,

những tưởng kỳ hy thọ tấn".

 

(12)      Ta có thể nói tang lễ của Ngài là một rừng liễn đối, là nơi quy tụ các cây bút đại khoa bảng lúc đương thời. Tuy thời gian trôi qua, nhưng một số câu trổi nhất vẫn còn được nhắc đến (xin xem phần Phụ lục).

 




Lượt truy cập: 522367
Powered by EasyVN