Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui
BÙI TẤN

BÙI TẤN

 

Giáo Sư BÙI TẤN, tự Khiết Kỷ, pháp danh Tâm Tuệ, sinh ngày 12.8. Canh Thân (1920) tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông là trưởng nam của Ông Bùi Quán (Ông Chánh Bảy) và Bà Nguyễn Thị Ngọc Thẩm, thuộc Chi Nhất, Phái Nhất tộc Bùi Vĩnh Trinh (thế thứ 16).

 

Thiếu thời, Ông đã được hấp thu nền cựu học ở quê nhà nên sau này rất uyên thâm về Hán học. Sau đó, Ông tiếp tục việc học ở Huế và tốt nghiệp Tú tài toàn phần năm 1944. Ngay sau khi tốt nghiệp, Ông được bổ nhiệm dạy Toán ngay tại trường trung học Khải Định (tức trường Quốc Học ngày nay) là nơi Ông đã theo học. Là trưởng nam của một gia đình có nhiều em nhỏ, lại chẳng may bị mồ côi Mẹ từ lúc tuổi mới lên mười, Ông không tiện xa gia đình để được theo học đại học tại Hà Nội, Sài Gòn hay ở nước ngoài như nhiều Vị cùng trang lứa.

 

Cách Mạng tháng 8 thành công và Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Ông theo trường đi sơ tán ở Quảng Trị một thời gian, sau đó về lại Huế để sum họp với đại gia đình vừa tản cư từ quê nhà ra Huế và tiếp tục giảng dạy tại trường Khải Định

 

Vào niên khóa 1952-1953, trường trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng được thành lập, Ông được bổ nhiệm vào làm Hiệu trưởng, rồi một thời gian sau, vào làm Hiệu trưởng Trường trung học Trần Cao Vân mới mở tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Sau khi trường Trần Cao Vân đã ổn định, Ông lại trở về trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng tiếp tục giảng dạy (và có thời kỳ làm Giám học) cho tới khi nghỉ hưu sau ngày giải phóng. Trong thời gian này, Ông đã hợp tác cùng hai vị giáo sư toán nổi tiếng là Giáo sư Đinh Quy và Giáo Sư Lê Nguyên Diệm soạn thảo bộ sách giáo khoa toán học rất mẫu mực, trở thành loại sách “gối đầu giường” cho nhiều thế hệ học sinh các thập niên 60-70 ở miền Trung.

 

Từ khi nghỉ hưu cho đến lúc qua đời vào ngày 24.01.1995, hưởng thọ 75 tuổi, Ông dành hết tâm sức và thời gian để cùng với bà con lo việc chung của Gia tộc, nào là tái thiết Từ đường, tu chính Phổ hệ, trùng tu nhiều phần mộ của Tiền nhân, góp phần đoàn kết và đưa sinh hoạt của Gia tộc đi vào nề nếp.

 

Suốt đời, GS Bùi Tấn là một tấm gương sáng về đức độ, nghĩa tình: với Thầy, với Bạn, với môn sinh cũng như với toàn thể Bà con ruột thịt xa gần trong Gia tộc. GS Bùi Tấn qua đời là tổn thất lớn lao cho Gia Tộc, nhưng đức độ và công lao của Giáo Sư mãi mãi là niềm tự hào và là di sản tinh thần quý báu cho các thế hệ con cháu về sau.

 

Sau đây là di ảnh Cố GS BÙI TẤN và vài hình ảnh về Lễ tưởng niệm GS tại quê nhà Vĩnh Trinh:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


MÔN SINH ĐỐI VỚI THẦY BÙI TẤN …

 

 

“BIỂN HỌC VÔ BỜ, THƯỚC NGỌC KHUÔN VÀNG NOI Ý SÁCH

ĐƯỜNG ĐỜI VẠN NẺO, NÊN NGƯỜI HIỂU ĐẠO NHỚ ƠN THẦY”

(CÁC THẾ HỆ MÔN SINH KHÓC THẦY BÙI TẤN)

 

 

(…) “Kính thưa Thầy !

 

Nhớ những lần vào lớp học, cả lớp đang inh ỏi, Thầy xuất hiện nghiêm nghị như một vị quan tòa: “Im cho ! Đừng có ỷ đông !”; lớp học liền im phăng phắc. Thầy quay lưng vào bảng đen với viên phấn trong tay: “A phảy, B phảy, C phảy, D phảy [ A’, B’, C’, D’ ] ! Từ một điểm ngoài một đường thẳng, ta chỉ có thể vẽ được một đường song song với đường thẳng đã cho” …

Da vâng Thưa Thầy ! Chỉ có hình ảnh một NGƯỜI THẦY nghiêm nghị, thanh khiết, nhân hậu, hiền hòa mới ở trong lòng chúng con ngót 40 năm qua và sẽ ở mãi trong phần còn lại của cuộc đời chúng con như một đường thẳng dài vô tận” (…)

 

                                                       (Trích: Điếu văn)

                                            KS Huỳnh Văn Khánh (Ba Khoa)

                                       Nguyên Thường vụ Quận Ủy Tân Bình,

                       Chủ tịch Hội Cựu Học sinh trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng,

                                   Chủ nhiệm Quỹ Học Bổng Phan Châu Trinh.

 

 




Lượt truy cập: 522355
Powered by EasyVN