Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui
BÙI QUÁN

BÙI  QUÁN

(1897 - 1982)

----------O0O---------

 

Ông BÙI QUÁN, tục danh Ông CHÁNH BẢY, là thứ nam của Ngài Thị giảng Bùi Thân và Bà Kế thất Nghi nhân Phạm thị Thuận.

Thuở nhỏ Ông theo học Hán văn với Ngài Tú tài Phan Tuyên ở Cổ Tháp và sau lại học Quốc ngữ tại trường Diên Phong do Ông anh rể là nhà Ái quốc Phan thành Tài sáng lập ở Bảo An, Điện Bàn.

Ông người tầm vóc trung bình, thông minh, hoạt bát, có cả ân, uy, nên kẻ trên người dưới đều mến nể.

Năm 19 tuổi, Ông được phụ thân ủy thác lên ở trên Phú Hanh để quản lý số ruộng đất của Ngài. Tuy còn thanh niên nhưng Ông đã ý thức được nhiệm vụ, biết cách tổ chức và giao thiệp, sớm tỏ ra là người có bản lãnh.

 

Năm 21 tuổi, Ông kết duyên cùng Bà NGUYỄN THỊ NGỌC THẨM ái nữ của Ngài Song Bảng, Tham tri Nguyễn Khải và Bà Như phu nhân Nguyễn thị Tuyết ở Long Xuyên. Nhờ có tài sản do Song thân trích hứa và với chí tiến thủ, chỉ trong khoảng 5 năm Ông Bà đã xây dựng được một gia trang đồ sộ tại xứ Bàu cùng ngay trong chánh xã.

Năm 1931, Ông đắc cữ Chánh tổng và chẳng bao lâu Ông được thưởng thọ Chánh Cửu phẩm văn giai.

Ông Bà sanh hạ được 2 trai, 3 gái và một ấu vong.

 

Chẳng may hiền thê Ông mất sớm (giờ Mùi ngày 22-01-N. Thân, 1932). Ông tục huyền (15-07-G. Tuất, 1934) với Bà NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG, hiền muội của Bà Chánh thất và sanh hạ được hai trai. Bà kế thất đã giúp Ông đắc lực trong việc nuôi dạy con và phát triển thêm cơ nghiệp.

 

Sau khi xin thôi công vụ, Ông được cử làm Trưởng ban Trị sự (1937-1945) đập Vĩnh Trinh). Ông đã cùng bào huynh là Ô. Bùi Xước trông coi xây đắp hai ngôi mộ của Song thân một cách quy mô. Năm G. Thân (1944) Ông được bà con ủy nhiệm lo việc tạo lập bi ký cho một số phần mộ của Tiền nhân.

 

Bình sanh, Ông rất quan tâm đến việc giáo huấn con cái. Suốt thời gian 20 năm liền (1926-1945) Ông đã liên tục mời các bậc lão Nho (1) và các vị Tân học (2) về ngồi dạy học ở trong nhà. Nhờ thế các con lớn lên đều chăm lo đèn sách và cũng nhân đấy, đa số con em trong thôn xóm lại may mắn có nơi trau dồi đạo đức và văn hóa.

 

Mùa đông năm B. Tuất, 1946, khi ngọn lửa chiến tranh bùng cháy, Ông Bà đã cùng gia đình tản cư lên Phú Gia, Bình Yên … Nhưng vì không chịu được khí hậu nơi sơn lâm và cũng để tránh bom đạn, đầu năm sau, Ông cùng gia đình tản cư ra Huế. Nhờ vậy, việc học hành của các con nhỏ không bị gián đoạn và 1 thứ nam đã được đi du học ở Pháp.

Năm 1954, Ông Bà hồi cư về Hội An, mua được một gian nhà ở đường Phan Chu Trinh. Nơi đây Ông Bà ở gần với hai gia đình của vị bào đệ và của người quí nữ, nên cũng vui. Trong thời kỳ này, Ông hay về quê thăm viếng bà con, bạn hữu.

Năm 1968, Ông Bà dời vào Sài Gòn, không ngoài mục đích là để cho người quý nam có cơ hội hoàn tất bậc Đại học và xin đi du học. Năm 1971 Ông Bà đã mua được ngôi nhà ở đường Vân Côi, Tân Bình để tịnh dưỡng trong lúc tuổi già (3) với sự thần hôn trực tiếp của vợ chồng 1 người con thứ.

Ông được bà con cử giữ chức Hội trưởng Bùi gia Vĩnh thế.

 

Suốt trong thời gian xa nơi nguyên quán, Ông thường tiêu khiển thì giờ bằng cách đọc sách, xem báo, chuyện vãn với các vị hưu quan, kỳ lão ở quanh nhà. Ông ít quan tâm đến vấn đề kinh tế gia đình vốn đã được Bà Kế thất đảm đang, phụ trách.

Sau khi được Thầy Tân Qui khuyến khích, lúc vãn niên, Ông đã hướng về đạo Giải thoát và đã xin quy y với  Thượng tọa Thích Nhật Lệ, Trú trì chùa Hải Quang. Hằng ngày Ông trì niệm Lục tự Di Đà một cách chuân thành.

Ông mất rất nhẹ nhàng vào giờ Thìn ngày 09-03-N. Tuất (02-04-1982) hưởng thọ 86 tuổi, an táng tại nghĩa trang T.V.A.H ở Gò Dưa (Lô 4, Hàng 17, Số 18). Sau đó khoảng nửa năm, vào giờ Dậu ngày 14-09-N. Tuất (30-10-1982) Bà quy tiên, hưởng thọ 73 tuổi, táng ngay bên hữu mộ Ông.

 

Trải qua những cuộc bể dâu, nhà cửa, sản nghiệp do Ông Bà dày công gầy dựng đều bị chiến tranh tàn phá. Nhưng Ông Bà đã để lại cho con cháu 1 gương sáng về cách tề gia, xử thế.

 

Ghi chú:

 

(1) :  Ông Hương Chước ở An Lâm, Ô. Cửu phẩm Giáo sư Trần Thượng Tiết ở Long Xuyên, Ông Tú tài Phạm Tấn ở Thanh Chương, Nghệ An. 

(2) :  Ông Ngô Lộc ở Bảo An, Ông Nguyễn Toản ở An Phước, Ông Trần thượng Duân ở Long Xuyên.  

(3) :  Nơi đây, nhân trong sân có cội tùng và một cụm trúc – trúc vi quân tử, tùng thị trượng phu – và cũng nhân Tộc có tặng tấm hoành trong đề bốn chữ: “Lan ngọc tân đình”, Ông đã khẩu chiếm câu đối như sau: 

 

QUẢNG ĐỊA ĐỐC PHƯƠNG CHI, LAN NGỌC TÂN ĐÌNH,

 

XUÂN LỘ THU SƯƠNG, TRINH DŨNG KHÍ;

 

NAM THIÊN CHUNG TÚ VẬN, HÀNH SƠN CỐ QUẬN,

 

TÂM KHÔNG TIẾT TRỰC, VĨNH CAO PHONG.




Lượt truy cập: 522386
Powered by EasyVN