Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

 

BÙI KIẾN THÀNH

 

(Tìm thêm thông tin trong google: mục từ “Bùi Kiến Thành”)

(Bùi Kiến Thành online: đang xây dựng)

 

 

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Chính sách điều hành phải minh bạch, không gây sốc

 

Xem hình

Cứu hay không cứu thị trường chứng khoán,

khi nó có thể đang xuống đúng với giá trị thực? Ảnh: T.Thạnh

Ông Bùi Kiến Thành – người Việt đầu tiên được đào tạo tại Mỹ trong lĩnh vực tài chính. Với hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực này – là một chuyên gia tài chính quốc tế uy tín, ông đã giúp đỡ, tư vấn nhiều vấn đề cho Chính phủ Việt Nam trong một số lĩnh vực kinh tế, ngoại giao. Dưới đây là một số nhận định của ông về chính sách tiền tệ mô thời gian qua cũng như những biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008

Ngày 17-3 tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phát hành bắt buộc với tổng giá trị tín phiếu là 20.300 tỉ đồng. Đây là quyết định của NHNN để rút bớt lượng tiền lưu hành. Đó là một trong nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát. Mục đích của Chính phủ là làm thế nào để tránh tình trạng nền kinh tế phát triển “nóng” và lạm phát cao gây bất lợi đến tình hình phát triển.

Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa chắc chắn bởi nó lại tạo ra sự bất ổn định trong thị trường tài chính tiền tệ. Song song đó, NHNN lại “bơm” vào thị trường số tiền đã rút ra (“bơm” thị trường 30.000 tỉ đồng), mà trên thực tế số tiền rút ra còn chưa rút ra ngay vì còn phải có một thời hạn để thực hiện. Khi Nhà nước rút số tiền từ thị trường ra qua việc bán tín phiếu bắt buộc cho các ngân hàng thương mại (NHTM), các ngân hàng này bắt buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn trong dân.

Thị trường chứng khoán, cứu hay không cứu?

Với chính sách hôm nay mở vòi, ngày mai đóng vòi như vậy làm cho những thành phần hoạt động kinh tế tài chính không thấy được chính sách lâu dài ổn định của Nhà nước. Điều này đã có tác động ngay tới thị trường chứng khoán (TTCK). VN-Index thời gian vừa qua tụt giảm liên tục. Liệu có phải đây là thông điệp Nhà nước muốn cứu TTCK hay không? Điều này cũng chưa rõ. Nếu đúng, cũng không hiểu vì lý do gì mà Nhà nước nghĩ rằng cần phải cứu TTCK. Thực sự, TTCK có cần được cứu hay không? Hay TTCK đang đi tới mức ổn định bình thường, không cần phải can thiệp? Những quyết định thiếu đồng nhất của Nhà nước đang gây nên sự phân vân trong giới kinh tế. Nhà nước “bơm” tiền trở lại vì lý do gì chưa hoàn toàn rõ. Nhưng có thể đoán định rằng, có nhiều lý do, như việc thấy lãi suất cao quá cũng gây bất ổn cho nền kinh tế, TTCK.

Nếu như cứu TTCK là lý do để Nhà nước quyết định bơm tiền trở lại thì đặt ra suy nghĩ: Tại sao mà Nhà nước lại cho rằng cần phải được bơm tiền trở lại cho TTCK? Dựa trên những tiêu chuẩn nào mà nói rằng cần phải bơm tiền trở lại để TTCK không “rơi” nữa; dựa trên tiêu chuẩn nào mà nói rằng mức “rơi” như vậy là quá sức hay chưa quá sức? Theo tôi, TTCK có thể còn xuống nữa, mà xuống nữa chưa chắc đã không hợp lý. Giá cả của chứng khoán VN trong thời gian qua quá cao, không có một tiêu chuẩn nào thực sự để nó có giá cao như vậy. TTCK điều chỉnh trong những tháng vừa rồi, theo tôi là hợp lý, không có gì để Nhà nước phải quan tâm, để biện pháp cứu thị trường này.

Băn khoăn việc nhà đầu tư được mua cổ phiếu bằng ngoại tệ

Lạm phát có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là năm 2007 và hiện nay là đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vọt, nguồn ngoại hối đổ vào Việt Nam quá nhiều, rồi phải chuyển hóa qua VNĐ. VNĐ nhiều quá trên thị trường gây nên lạm phát. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên TTCK cũng phải đổi ngoại tệ ra VNĐ, làm tăng lượng tiền đồng, gây ra lạm phát.

Ngày 22-2, có thông tin Thủ tướng cho phép Tập đoàn Tài chính Mogan Stanley mua cổ phần của Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), được trả tiền trực tiếp bằng USD. Đây là một biện pháp để hạn chế việc chuyển đổi từ USD ra tiền VN, cũng là cách “bơm vào” cho TTCK. Bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và nhận đô la, công ty này sẽ làm gì với tiền đô la ấy? Nếu công ty cần tiền đối ứng bằng VNĐ thì Nhà nước có cho đổi sang VNĐ? Nếu cho phép thì biện pháp này sẽ không có ý nghĩa gì cả.

Cũng như những nhà xuất khẩu bây giờ xuất khẩu hàng hóa lấy USD có cho phép họ đổi ra VNĐ hay không? PVFC cũng xuất khẩu cổ phần lấy tiền đô la rồi làm cái gì? Nhà nước có chính sách gì đối với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, số ngoại tệ thu về ấy phải xử lý thế nào. Nếu không cho họ chuyển đổi sang tiền Việt thì người ta sẽ làm gì với số tiền ấy? Hiện nay những nhà xuất khẩu mà không chuyển đổi từ đô la sang VNĐ cũng gặp những khó khăn. Theo tôi, những biện pháp kiềm chế lạm phát như vậy không có bài bản gì rõ ràng. Những giải pháp đó chỉ mang tính tình thế là chính. Nếu chỉ như vậy thì chưa đủ.

Cấm bán hàng rong cũng làm tăng lạm phát

Trong khi đó thì có những chính sách khác, như việc cấm bán hàng rong trong TP thì có tác động ngược lại. Nó sẽ có khả năng làm cho giá sinh hoạt tăng lên. Nếu bây giờ cả TP Hà Nội hay cả các TP ở Việt Nam cấm bán hàng rong thì tự nhiên giá hàng hóa nông sản, thực phẩm tăng lên. Vì sao ư? Vì số người bán hàng rong rất nhiều. Ví dụ như ở Hà Nội cũng phải có 1-2 vạn người, nhân với doanh thu mỗi ngày của mỗi người khoảng vài trăm nghìn đồng thì con số doanh thu lên tới hàng tỉ đồng mỗi ngày. Nếu giá sinh hoạt tăng lên vì cấm không cho bán hàng rong rõ ràng đã ảnh hưởng đến nền kinh tế mô, chứ không phải chỉ là chuyện giải quyết vấn đề đường thông hè thoáng. Những việc gì sử dụng lao động nhiều thì nên cố gắng để người lao động có điều kiện tiếp tục làm việc, đóng góp vào trong sự phát triển kinh tế bằng sức lao động. Sức lao động đó là lao động trực tiếp, không có trung gian nên giá lao động thấp. Nếu cấm không cho những người đó làm việc, tự nhiên phải qua một hệ thống kinh tế khác (ví dụ cấm bán hàng rong, người mua phải vào siêu thị, cửa hàng...) làm giá thành sản phẩm cao hơn. Vì thế, những biện pháp như cấm bán hàng rong có sự tác động ngay trực tiếp vào giá sinh hoạt.

Những hoạt động gì ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới giá sinh hoạt thì phải phân tích cho kỹ và có chính sách cho đồng bộ, chứ không chỉ có vấn đề tiền tệ, thuế khóa.

Nhân nói về lạm phát, tôi thấy có vấn đề rất quan trọng trong phạm vi thẩm quyền của Nhà nước mà Nhà nước chưa làm cho tới nơi tới chốn. Ví dụ, như trước Quốc hội có ý kiến cho rằng thất thoát trong các công trình xây dựng cơ bản lên tới hàng chục phần trăm. Nhà nước bỏ vào một công trình nào đó 100 tỉ đồng, thì nó chạy đâu mất mấy chục tỉ. Cái gì mà thất thoát thì tự nhiên là phần còn lại sẽ đội giá cao hơn.Cho nên việc chống tham nhũng, tham ô lãng phí hiệu quả cũng kiềm chế lạm phát. Từ đó, Nhà nước phải xem lại trong tất cả các lĩnh vực quản lý, có lĩnh vực nào còn có thể làm giảm giá thành được không?

Tôi muốn đề cập đến thị trường bất động sản. Hiện nay đất là tài sản của nhân dân do Nhà nước quản lý. Tại sao giá đất cao? Một điều hết sức không hợp lý là khi lấy đất thì lấy đất của người nghèo và cấp đất cho những nhà phát triển dự án là những anh nhà giàu. Bồi thường đất cho nhân dân với giá quá thấp trong khi các nhà đầu tư khi bán ra thì tới vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng/m2. Ngoài chuyện bất công còn vấn đề giá cả. Liên quan tới giá cả tức là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát. Nói bất động sản đang “nóng”, tại sao Nhà nước thấy rõ ràng cung không đáp ứng cầu, làm ảnh hưởng trực tiếp tới giá bất động sản, sao không điều tiết, trong khi quyền giao đất, sử dụng đất ở trong tay mình?

Vài nét về chuyên gia Bùi Kiến Thành

- 1954 – 1956: Trưởng phòng ngoại hối Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (miền Nam).

- 1956 – 1958: Đại diện Ngân Hàng Quốc gia Việt Nam (miền Nam) tại New York, Mỹ - lúc đó ông mới 24 tuổi, là người trẻ tuổi nhất trong hơn 60 đại diện NHNN tại Hoa Kỳ.

- 1959 – 1965: Chủ tịch, tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm quốc tế Mỹ American International Underwriters, Vietnam, Inc. (AIU) - là vị chủ tịch công ty trẻ tuổi nhất (27 tuổi) trong hệ thống các công ty thành viên của tập đoàn.

- 1983 – 1984: Giám sát (controller) khu vực Chicago (Mỹ) của Tập đoàn Tài chính Quốc tế Mỹ (American International Group - AIG).

-1984 – 1992: Tư vấn độc lập về các vấn đề Việt Nam.

- 1993 – 1996: Cố vấn cao cấp thường trú tại Việt Nam (Resident Senior Advisor) của Tập đoàn Tài chính quốc tế Mỹ AIG – một trong 10 tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới có chi nhánh trên hơn 130 quốc gia, với tổng số tài sản trên 600 tỉ USD.

- 1996 đến nay: Cố vấn cao cấp, KHM, Inc.

 (Theo Người Lao động)

 

 




Lượt truy cập: 522376
Powered by EasyVN