Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

 

BÙI KIẾN QUỐC

 

(tìm thêm thông tin trong google: mục từ “Bùi Kiến Quốc”)

 

 

Tin tức “Trò chuyện cùng doanh nhân” Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc: Đừng chậm trễ trước cuộc “chiến tranh văn hóa” (Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn tiêu biểu)

* Gia đình anh có nhiều ngưòi rất đặc biệt, đúng không?

- Quê gốc tôi ở Trung Phước, Quảng Nam. Cha tôi, bác sĩ Bùi Kiến Tín thuộc lớp thanh niên nông thôn miền Trung cầu tiến, là người đầu tiên của Quảng Nam đỗ tú tài trường Tây. Mặc dù lấy bằng bác sĩ ở Pháp nhưng cuộc đời ông phần lớn dành cho công việc của một dược sĩ, đúng hơn là của một nhà bào chế. Dầu khuynh diệp “Bác sĩ Tín” như nhiều người ở miền Nam trước đây đã biết, cạnh tranh tốt với dầu “Nhị thiên đường” của người Hoa. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, ông đã lập một quỹ học bổng cho những thanh niên ưu tú nhất của Quảng Nam có điều kiện được ra nước ngoài du học. Tháng 4/1975, cha tôi ra đi cùng bạn bè là những viên chức cao cấp chế độ cũ. Đó là số phận. Hai ngày sau, người em trai của ông là Bùi Lộc, một sĩ quan của bộ đội Giải phóng miền Nam từ chiếc xe tăng dừng trước dinh Độc Lập, đã đi tìm người anh trai và đại gia đình của mình sau 21 năm xa cách. Chú Lộc và cha tôi không khi nào gặp lại nhau. Các cô chú, anh chị em lần lượt tản mác khắp thế giới.

Một người chú khác của tôi là Bùi Giáng, suốt đời bị nàng thơ ám ảnh. Anh Hai tôi, Bùi Kiến Thành, từ Pháp qua Mỹ học tài chính đã trở thành chính khách trẻ nhất dinh Gia Long thời Ngô Đình Diệm. Diệm bị đảo chánh, anh Thành bị bắt tù đày, sau phải tị nạn ở Pháp. Anh Thành về VN trước tôi 6 năm, năm 1989.

* Con đường về của anh có khó khăn nhiều không ?

- Năm 1995 tôi về lần đầu trong một trạng thái tình cảm phức tạp, với những quan điểm hoàn toàn của một người nước ngoài. Tôi đi xích lô, “thương vay khóc mướn” cho người đạp xe, không ngờ ông ta cười lớn: “Tôi đạp xe thế này mỗi ngày được vài chục ngàn, đủ tiền cơm nước, lại có thể cho con cái mua sách vở, quần áo. Sướng hơn rất nhiều so với 10 năm trước”.

Theo tôi, thông tin về đất nước rất ít đến với người Việt ở nước ngoài, hoặc có thì nhiều khi rất phiến diện. Họ bị bỏ mặc trong những định kiến nghi ngờ. Em trai tôi, Bùi Kiến Nghĩa đang sống ở Canada là dẫn chứng. Nghĩa chưa bao giờ về VN. Không ai khuyến khích Nghĩa về và bản thân Nghĩa cũng không hề biết trong nước đã có những thay đổi lớn lao như thế nào. 

Người Việt ở nước ngoài không thể hình dung ở VN có tờ báo như Doanh nhân Sài Gòn với những hình ảnh về thời trang, xe hơi bên cạnh những bài viết về chính trị, kinh tế.

Anh Thành là người xa quê hương 25 năm. Đi về một mình, để gia đình và tất cả những gì đã xây dựng được ở lại nước ngoài. Anh về làm chuyên gia tài chính cho Công ty tư vấn - phát triển đầu tư thương mại Mỹ tại VN, đồng thời làm tư vấn cho Văn phòng Chính phủ VN, cầu nối cho giới làm ăn trong nước với các ngân hàng Mỹ. Anh Thành từng được mời góp ý cho Chính phủ VN giải quyết một số vấn đề phát sinh khi nguồn viện trợ của Đông Âu chấm dứt hồi cuối những năm 1980. 

Còn tôi, bản chất không phải là người làm ăn. Tôi về Hội An xây một ngôi nhà rất rộng, mong muốn là nơi cho cô chú, anh chị em về sum họp. Nhưng những người thân trong gia đình không về bao nhiêu, nhà đó bây giờ là một khách sạn vườn (KS Hà An - 6 Phan Bội Châu - Hội An - NV), đón khách với không khí gia đình, bạn bè. Cũng thành công vì sáng tạo ra một cách kinh doanh du lịch văn hóa.

* Vậy ở VN, có điều gì làm anh thấy thoải mái khi vẫn giữ cách nhìn, cách đánh giá của một KTS Pháp ?

- Thứ nhất là tôi đang sống ở đất nước mình. Thứ hai, tôi được làm việc tự do theo ý thích. Trong khu sinh thái tôi đang làm ở Cẩm Thanh, những căn nhà gỗ   không bị ràng buộc của bản thiết kế, dự toán công trình và cả các hợp đồng thi công, hợp đồng lao động. Ở đây tôi yêu cầu người thợ mộc làm cho mình một cái tủ cho góc nhà chỗ này, không vừa ý, tôi có thể đề nghị anh ta làm lại mà không có vướng mắc nào. Đó là cách làm việc trực tiếp với thợ để cùng nhau sáng tác một tác phẩm chung mà ở Pháp không bao giờ thực hiện được. Điều đó rất đặc biệt đối với tình cảm và cách tiếp cận cuộc sống của cá nhân tôi: tôi là thợ kiến trúc.

* Mười năm qua anh có làm được gì để góp phần giữ gìn văn hóa Việt ? Liệu anh có tìm được người cùng chí hướng ?

- Đừng nói những chuyện to tát như vậy, vì trong thực tế đôi khi khó được chấp nhận. Nói câu chuyện của riêng tôi thôi.

Tôi làm nghề kiến trúc với tâm hồn thợ, nhưng cũng quan tâm nhiều đến qui hoạch đô thị, khai thác du lịch. Tôi sống ở Pháp hơn hai phần ba cuộc đời và thấy rằng những gì người ta hủy hoại môi trường sống để phục vụ du lịch phải mất khoảng 20 năm, còn ở đây chỉ mất chừng 4 năm. Theo tôi, việc đầu tiên một doanh nhân phải quan tâm là kinh doanh món hàng chất lượng cao, mà đã gọi là chất lượng cao thì trong đó phải có yếu tố văn hóa mới đáp ứng thị trường hiện đại. Cái văn hóa nằm ở khía cạnh chúng ta hăm hở đi tìm những mảnh đất có vị thế và phong cảnh đẹp nhất để làm nhà, xây phố hoặc dành nó cho một dự án du lịch nào đó. Hình như là phải làm ngược lại. Có hai miếng đất đẹp và xấu, ta phải đặt nhà của mình trên miếng đất xấu, rồi từ ngôi nhà của mình ngày ngày nhìn ngắm, hưởng thụ cái đẹp và xác nhận phẩm giá của mình trên miếng đất kia vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn.

Tôi cho rằng du lịch cao cấp là phục vụ một cửa sổ nhìn một cảnh tuyệt vời. Cái đó mình có thể bán 500 đô la một đêm. Còn cái phòng, cái giường, cái điều hòa, cái TV, thì mình có thể cho bổng. Khách sạn của tôi xây trên đất trước dùng làm bãi rác, xây xong không bao lâu thì khu này trở thành đẹp. Khu sinh thái tôi đang làm ở Cẩm Thanh là nơi thể nghiệm giữ gìn cảnh quan văn hóa nông thôn như thế nào trong bối cảnh Hội An đang cố gắng tìm không gian lớn hơn cho khu phố cổ. Tôi nhận thấy người ta không thận trọng. Những ngôi nhà hiện đại vụng về mới được xây, kè bê tông, con đường nhựa khô khan thay thế cho những mái tranh, vườn cây, con thuyền và những con đường đất bình yên, liệu có cần thiết không? Chuyện này rất đáng tiếc vì đó là một dự án đầu tư từ phía Nhà nước, đã xảy ra vì không quan tâm hoặc không hiểu văn hóa là gì. Khu mới đó không hẳn xấu, mà vô duyên khi gắn sát với phố cổ. Nó không chỉ là cảnh quan. Một mô hình đô thị sai lầm có thể khiến đạo đức suy đồi, gia quy đảo lộn, nền nếp gia đình ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo đi vào quên lãng. Nguy hiểm ở chỗ là hiện nay mình đã bắt đầu có vốn, có điều kiện để làm nhiều việc tương tự như vậy. Cách đây mấy năm, trước khi mất, chú Bùi Giáng về đây, có viết bài thơ Về Quảng Nam, mạn phép được đọc nó:

Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam

Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn,

Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình

Tìm người bạn cũ không ra,

Còn phong cảnh cũ khác xa những ngày...

Xóm làng, đồng ruộng, lạ thay!

Chỉ còn dáng núi chạy dài xa xa

Giữ nguyên hình ảnh đậm đà

Còn trong kỷ niệm bao la tuổi nào...

Ngắm nhìn, tim máu xôn xao,

Tôi rời đất Quảng trở vào miền Nam

Tâm hồn bao xiết hoang mang

Bài thơ viết vội, dở dang lạ lùng.

* Ông có đưa các ý tưởng tâm đắc như vậy vào đề án xây dựng trường đại học quốc tế mang tên Phan Chu Trinh ở Hội An mà một số trí thức vận động thành lập và vừa được cho phép?

- Anh Ngọc (nhà văn Nguyên Ngọc - NV) rủ tôi tham gia Ban dự án, phân công tôi thiết kế ý tưởng khu đại học này. Quan điểm của tôi là muốn trường này thành nơi thu hút những người ưu tú nhất, không phải là nơi có rào chắn chung quanh vài chục hec-ta đất, những toà nhà 10 tầng, thư viện khổng lồ... Làm vậy vẫn không đua tranh được với ai. Những ngôi nhà thuần Việt được xây dựng trên đầm nước tốt hơn cho một môi trường trau dồi kiến thức, nó gợi ý được nhiều điều về nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt. Các giáo sư nổi tiếng ở các trường đại học lớn trên thế giới sẽ dễ chấp nhận nếu chúng ta mời họ thỉnh giảng, nghiên cứu, hội thảo trong bầu không khí dân dã của người Việt, nhà tre bên bờ sông, ruộng sát lớp học, xưởng mộc không xa. Sinh viên học ở đây, như các sinh viên Na Uy năm nào cũng có khóa học 3 tháng trong khu sinh thái của tôi ở Cẩm Thanh, họ đạp xe đạp trên đường làng khoảng 10 phút là đến phố cổ để uống cà phê. Sát đó là các làng nghề, là cuộc sống của người Việt với mối quan hệ gia đình rất đặc trưng, có hình ảnh đứa cháu nhỏ rót nước trà cho ông nội. Nghĩa là họ sống trong làng quê mà không tách rời với thị thành. Một mô hình hoạt động đại học không nhằm vào việc đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, mà hướng vào đào tạo những trí thức tốt, hiểu bản chất cuộc sống và biết được phẩm giá của mình.

* Hình như có cốt cách Bùi Giáng trong ý tưởng ấy. Một ngôi trường như vậy anh có thấy quá lãng mạn, có thể khó được chấp nhận?

- Không rõ có sự đồng điệu nào không, nhưng tôi thích thơ chú Bùi Giáng. Có nhiều khi mình phải làm việc với sự lãng mạn, bởi vì điều đó hoàn toàn phù hợp với qui luật phát triển và bảo vệ văn hóa. Không nên chậm trễ một chiến lược, cuộc chiến tranh hôm nay là chiến tranh văn hóa. Nếu không thể thay đổi hướng chi phối của toàn cầu hóa, vẫn có thể sinh hoạt trong thế giới đó theo cách của riêng mình, bằng cách cố gắng giữ gìn và truyền lại những gì giữ được của nền văn hóa dân tộc.

* Nghĩa là...

- Tôi có dính dáng, với tư cách một người tư vấn, đến việc quy hoạch 15 ngàn héc-ta đất ven biển từ Điện Ngọc vào đến Chu Lai. Anh Hoàng (Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - NV) đã đồng tình với tôi khi nói rằng muốn chỗ này sẽ thành vùng du lịch đô thị sinh thái, một kiểu đô thị phố-làng-vườn. Đó là một mô hình giao lưu văn hóa làng và phố như Hội An từng có trong quá khứ. Tôi cũng tham gia Ban quản lý dự án và thiết kế không gian kiến trúc cho khu nghỉ mát sinh thái Tam Hải (thuộc khu kinh tế mở Chu Lai), mà ngưòi nước ngoài mong mỏi tìm thấy khi họ đến từ New York hay Paris. Nghĩa là ít nhà và nhiều cây, nhiều nước. Tôi nghĩ sẽ thất bại nếu như tổ chức khai thác du lịch, đầu tư mà cứ mải mê xây dựng những đô thị đầy đủ tiện nghi hạ tầng, người Pháp gọi là logic ống cống.

Nghĩa là quy hoạch những con đường càng rộng càng tốt, hệ thống thoát nước hoàn hảo, những phố thương mại đạt tiêu chuẩn và những công viên rực rỡ mà không quan tâm con người sẽ sống trong cái đô thị đó bằng cách nào, có dễ chịu không, có điều kiện để “sau một ngày lao động mệt nhọc, con người ta có một nơi để tịnh tâm, để tìm lại mình - nói như anh Hoàng”.

* Thủ tướng Phan Văn Khải trong bài diễn văn kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước đã nói rằng “Dù vẫn còn sự khác biệt về chính kiến, thành phần dân tộc, song tất cả hãy cùng đoàn kết để xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh”. Anh nghĩ đó là những lời tâm huyết của Chính phủ VN?

- Đông đảo trí thức, doanh nhân Việt kiều rất quan tâm đến lời kêu gọi này. Về nguồn vốn đầu tư vào VN sắp tới, không có gì trở ngại vì nước mình đã được quốc tế ủng hộ mạnh mẽ. Vấn đề là tạo được lòng tin cho tất cả mọi người bởi vì việc này không chỉ liên quan tới chuyện tiền nong, mà còn là sự nghiệp, là danh dự. Nước mình cần có những người như Cụ Hồ. Quốc pháp khởi thủy từ gia phong. Mẹ tôi là người lèo lái trong gia đình. Dòng họ Bùi mang ơn bà rất nhiều. Không có bà, anh em tôi không chắc đã được học hành tử tế, không chắc có thể vượt qua những thay đổi của xã hội để làm người tử tế.

* Nghĩa là, Việt kiều là một cái gì đó lớn hơn, không chỉ là nguồn vốn đầu tư 4 tỷ USD/năm ?

- Việt kiều bao gồm những cái tốt và cái không tốt, nhưng không bao giờ là những dãy số. Việt kiều trước hết là người Việt Nam, không chỉ là nhà đầu tư chỉ tìm hiệu quả kinh tế cho mình nhưng có tinh thần tìm lối đầu tư tốt cho đất nước. Việt kiều nếu là những nhà tư vấn, họ có kinh nghiệm thất bại của Châu Âu trong một số lĩnh vực để giúp đất nước không dẫm chân vào những thất bại đó. Và họ cũng có thể thấy các vấn đề của nước mình trước 20 năm. Tôi chắc rằng bất cứ lĩnh vực kinh tế - xã hội nào cũng có thể sử dụng những nhà tư vấn Việt kiều có tài và có uy tín. Anh Thành là người như vậy. Anh đã trực tiếp hỗ trợ Ban Biên giới Chính phủ nghiên cứu cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền VN trên thềm lục địa, khu vực dầu khí biển Đông. Anh Thành từng giúp VN đạt được một văn bản giải tỏa cấm vận đặc biệt của Chính phủ Hoa Kỳ, cho phép VN thuê Công ty luật Convington & Burling tiến hành nghiên cứu chủ quyền của VN ở biển Đông, đặt nền móng pháp lý cho nước mình giải quyết các tranh chấp đã và đang xảy ra tại đây. Anh Thành được nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt” dành cho Việt kiều có công đóng góp cho đất nước thời kỳ đổi mới.

Vấn đề là phải tìm cách cho mọi người thấy rõ xã hội VN đổi mới, đã rất cởi mở. Mức sống, vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Những bộ phim tài liệu VN tôi từng xem không nói được nhiều về sự đổi mới đúng như thực tế đang diễn ra, vì vậy nếu đưa ra nước ngoài sẽ rất ít hiệu quả thông tin. Cần phải nói cho mọi người rõ mái nhà chung bây giờ đã ấm áp nhiều rồi. Những dự án tôi thiết kế không muốn chứng minh cái gì khác. Vì vậy, sau khi xây dựng bên Pháp những bệnh viện, đại học, sân bay, cảng biển, quan niệm tôi về phương án phát triển đô thị hiện đại ở Quang Nam là theo kiểu “làng quê”. Chẳãng phải đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy đã tìm được câu trả lời: Nếu đi hết biển là tới làng đó sao. Đó không phải là phương án lãng mạn, mà đi trước vài chục năm.

 

 

 

 




Lượt truy cập: 522381
Powered by EasyVN