Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

 

BÙI  CHUYẾT

(1896 - 1965)

----------O0O---------

 

Ông BÙI CHUYẾT thường gọi Ông BÁT TIẾU là một thứ nam của Ông Bá hộ Bùi Túc và Bà Phan Thị Trang. Ông sanh năm Bính Thân (1896) tại Vĩnh Trinh.

Thuở nhỏ, Ông học Hán văn và có đi thi Trường Ba. Ông cũng thông thạo chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

 

Năm Giáp Dần (1914), Ông kết hôn cùng Bà PHAN THỊ QUỲNH, trưởng nữ của Ông Bà Tú tài Phan Thế Đạt ở Đông Yên. Sau khi được phụ thân cấp cho một số tư điền ở Phú Nhuận, Ông Bà bèn lên lập nghiệp ở đấy. Tuy còn trẻ, Ông đã sớm có tài tổ chức. Ông cho xấn và sang bằng một phần ngọn đồi rộng 4 mẫu ta rồi cho xây 3 ngôi nhà ngói, hình chữ U – mỗi nhà có 5 gian 2 chái – cùng nhìn ra một cái sân rộng. Ngôi nhà giữa – có cột toàn bằng sơn nghệ đứng táng trên các tảng đá cẩm thạch bóng láng và có kèo bằng mít chạm trổ công phu – dùng làm nơi thờ tự còn 2 ngôi nhà 2 bên tả và hữu thì dùng làm nhà ở và nhà chứa lúa.

 

Công tác xã hội và kinh tế:

 

-         Khi mới đến lập nghiệp, Ông cho đào và xây một cái giếng lớn, do đó bà con trong thôn xóm đã có nước tốt để dùng quanh năm trong suốt mấy mươi năm trời.

-         Khoảng năm 1940 Ông tự xuất tiền thiết kế và cho cất 1 cái cầu đá 3 vày bắt ngang qua khe rộng trên 10 m – chảy băng qua làng – để người và súc vật qua lại được an toàn.

-         Ông cho dựng một bờ xe nước ở sông Thu Bồn, tưới được một diện tích hơn 3, 4 chục mẫu.

-         Trong các năm bị thiên tai, mùa màng mất sạch, Ông đã tự xuất gia xuy, mua lúa gạo phát chẩn, cứu trợ đồng bào qua cơn đói kém. Nhân đấy Ông đã được tưởng thưởng Bát phẩm Văn giai.

-         Năm 1932, một tổ chức về thủy lợi được thành lập, mục đích là vay tiền Chính phủ, xây đập Khe Công ở xã Thạch Bàn, đưa nước tưới ruộng đất ở 7 xã gần đấy, để rồi hàng năm nông gia đóng tiền nước trả dần lại cho Chính phủ. Và Ông đã được cử làm Trưởng ban Trị sự của tổ chức thủy lợi đó.

 

Hiền thê Ông là người đảm đang, quán xuyến, giúp Ông rất đắc lực. Ngoài việc nông tang thường lệ, Bà cho tổ chức chăn nuôi: nuôi heo, nuôi trâu bò và buôn trữ các hàng đặc sản như nón lá, dầu rái v.v… Bà không vì bận việc làm ăn mà xao lãng công tác từ thiện, cứu tế: Bà thường giúp đỡ những người nghèo khó, hoạn nạn, nên ai cũng quí mến.

 

Ông Bà sinh hạ tất cả 18 người con và số trưởng thành có gia đình, sự nghiệp gồm 7 trai, 6 gái, nên năm 1942, với tư cách là tiêu biểu người vợ đảm, bà mẹ hiền, Bà đã được ân thưởng Bằng tưởng lục và Huy chương vàng.

 

Chiến tranh bùng nổ, Ông Bà và gia đình tản cư lên Phú Gia. Bà bị bệnh và mất ngày 21-09-Đ. Hợi (1947), thọ 51 tuổi. Phần mộ đã được cải táng về Gò Cao, Mỹ Sơn, hiện thuộc xã Duy Tân, Duy Xuyên.

 

Ông tục huyền với Bà LÊ THỊ LIỄU, người Đông Yên, sanh hạ được 1 trai, 2 gái.

 

Năm 1960, Ông và gia đình dời vào Sài Gòn – số 4 đường Thuận Kiều – để tịnh dưỡng tuổi già. Ông mất ngày 27-10-Â. Tỵ (1965), thọ 70 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Khi nghĩa trang này được giải tỏa, hài cốt được cải táng tại một triền núi, cảnh trí hữu tình, ở Hóc Giáp, xã Hòa Mỹ tây, Tuy Hòa, Phú Yên.

 

Cuộc đời và sự nghiệp của Ông Bà là một tấm gương cần lao và tiến thủ cho con cháu.

 

 




Lượt truy cập: 522356
Powered by EasyVN