Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui

 

BÙI  CẦN

(1890 - 1974)

----------O0O---------

 

Ông BÙI CẦN, tự Duẫn, thường gọi Ông HƯƠNG CẦN là con thứ bảy của Ông Bùi Văn Ý và Bà Nguyễn Thị Mỹ.

Ông sinh vào giờ Ngọ, ngày 05-06-Canh Dần (1890) tại Vĩnh Trinh.

 

Ông tư chất thông minh, vóc người mảnh mai, nho nhả, tướng mạo ngũ trường. Ông vui tính, hoạt bát, thường chen những câu dí dỏm, khôi hài, thâm thúy, khiến người nghe ai cũng ưa mến.

Thuở nhỏ, Ông theo thúc phụ là Ô. Cử nhân Bùi Hữu Chí – ngồi Tri huyện ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên – để học Hán Văn. Nhờ có năng khiếu, Ông đã hấp thụ một số vốn văn hóa vững chắc. Ông cũng thông thạo đơn trương, giấy tờ về hành chánh.

 

Năm 18 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình, Ông phải về lại quê nhà. Ông có mở lớp dạy học tại nhà một thời gian. Ông sành về khoa tử vi, bói toán. Ông thích ngâm thơ, vịnh cảnh. Ông đã sáng tác nhiều bài Đường luật hoặc những ngâm khúc song thất lục bát (xin xem phần Phụ lục).

 

Ông cũng thạo về toán Tàu, quen cách tính phân đất, triệt đất. Ngày xưa mỗi khi làng quân cấp đất đồng canh cho dân hay các nhà hào phú muốn phân triệt tư điền cho con cái, đều nhờ đến Ông, do đó Ông am tường địa bộ trong làng hơn ai cả.

 

Về hôn nhân, lúc đầu Ông kết duyên cùng Bà ái nữ của Ông Thầy Diên, người ở Mã Châu và sinh hạ được 1 gái. Nhưng tơ duyên trắc trở, Ông Bà không cùng sống chung với nhau và người con gái cũng tảo vong.

Sau đó Ông tái phối với Bà NGUYỄN THỊ PHÒ, ái nữ của Ông Bà Hội Tiếp, người làng Giáo Trung, Đại Lộc. Cùng chung một cảnh ngộ, Ông Bà thông cảm nhau hơn, đã sống một đời hạnh phúc và đã sinh hạ được 4 trai, 2 gái và 2 ấu vong.

 

Khi được song thân cho ra ở riêng, Ông Bà về ở lại vườn cũ của nội tổ là Ngài Bá hộ Bùi Hoằng Nghị trước kia tại An Lâm. Ông Bà noi theo nếp cũ nông tang, tuy không phải giàu có, nhưng nhà cửa có cái trước có cái sau, ruộng đất đủ đám sâu đám cạn, tiền của có kẻ trả người vay, nên đã sống một đời phong lưu sung túc.

Năm Đinh Dậu, 1958, Ông Bà đã phát tâm xin quy y tại chùa Phật giáo ở Thọ Xuyên; Pháp danh của Ông là Kiệm và của Bà là Trì.

 

Năm Bính Ngọ, 1966, vì chiến cuộc ngày càng leo thang, Ông Bà phải rời bỏ nhà vườn, ra tạm trú với con tại Đà Nẵng.

Qua năm Đinh Mùi, 1967, Bà vào ở với người con trai thứ 7 tại Hàm Tân, Bình Tuy. Bà mất ngày 26-09-Mậu Thân, 1968, thọ 77 tuổi (1), mộ táng tại Hàm Tân.

Ông vẫn lưu lại Đà Nẵng. Lúc bấy giờ tuy sức khỏe suy yếu, mắt kém, nhưng tinh thần Ông vẫn sáng suốt, minh mẫn. Ông vẫn nhớ rành mạch sách vở, điển tích như xưa. Chính nhờ có ký ức phi thường đó, mà ông đã đóng góp rất đắc lực vào việc cung lục quyển Phổ hệ của Tộc in ronéo năm Canh Tuất 1970.

Sang năm Giáp Dần 1974, các con dời vào Sài Gòn, đón Ông vào ở với người con trai thứ 6 tại khu Bảy Hiền. Ông mất tại đấy ngày 22 tháng 12 năm ấy, thọ 85 tuổi (2), linh cữu đưa ra an táng ở Hàm Tân, bên cạnh mộ Bà. Hai ngôi mộ đều có bia, nhà bia (3) và xây thành xung quanh trông thật trang nghiêm.

 

Ghi chú:

(1) Câu đối – do Ông soạn – để thờ Bà:

 

BÁT THẬP KHIẾM TAM NIÊN, SƠN HẢI THỆ MINH DU TƯỞNG TƯỢNG;

 

CỬU NGUYỆT NẪM LỤC NHẬT, THẦN HÔN NAM NỮ VỊ CAM TÂM.

 

(2) Câu đối thờ ông:

 

TỨ ĐỢI ĐỒNG ĐƯỜNG, DIÊN NIÊN QUA BIỆT;

 

BÁT TUẦN THƯỢNG THỌ, LỊCH TUẾ BÁ TÙNG.

 

(3) Khắc ở mộ Bà:

 

VIẾT GIAI THÀNH

 

MỘ HUYÊN ĐƯỜNG NAN THÙ HẬU ĐỨC;

 

NGƯỠNG TỪ PHONG KHẢ ĐÁP THÂM ÂN.

 

- Khắc ở mộ Ông:

 

QUAN KỲ HẠNH

 

PHONG MỘC NAN TIÊU THIÊN CỔ HẬN;

 

PHẦN OANH DỊ ĐỘNG BÁ NIÊN TÂM.

 

 




Lượt truy cập: 522387
Powered by EasyVN