Trang chủ
Hội đồng gia tộc
Quá trình phát triển của Bùi tộc Vĩnh Trinh
Từ đường ở quê nhà Vĩnh Trinh
Chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh
Phổ hệ Bùi tộc Vĩnh Trinh
Tin tức gia tộc
Nhân vật
Thư viện ảnh
Video
Thông báo tin vui
Tin buồn
Tin vui
BÙI BIÊN

BÙI  BIÊN

(1891 - 1952)

----------O0O---------

 

Ông BÙI BIÊN tục danh, Ô. CỬU THỨ là thứ nam của Ông Bá hộ Bùi Túc và Bà Phan Thị Trang. 

Ông sinh năm T. Mão, 1891 tại Vĩnh Trinh. Ông thông minh, linh hoạt. Ông học thông chữ Nho, chữ Nôm và biết chữ Quốc ngữ.

 

Năm 20 tuổi – 1911 – Ông kết duyên cùng Bà PHAN THỊ YẾN, trưởng nữ của Ông Bà Phan Phiên, tục gọi Ông Bà Lễ Tầm ở Bảo An, Điện Bàn.

Năm sau – năm N. Tý, 1912 – Ông Bà sinh hạ cậu con trai đầu lòng đặt tên là Bùi Thứ – sau đổi thành Bùi Kiến Tín – và cũng từ đấy, sau khi được thưởng chức Cửu phẩm, Ông được gọi là Ông Cửu Thứ.

 

Sang năm sau, Ông Bà lên lập nghiệp ở Trung Phước, Quế Sơn, trên nguồn sông Thu Bồn, để quản lý số đất ruộng mà thân phụ vừa tạo mãi, vừa thừa kế được của tổ phụ là Ông Quản Nghi.

Thuở đó, vùng Trung Phước còn hoang vu, dân cư còn thưa thớt, nên việc vợ chồng trẻ đưa con mọn lên lập nghiệp ở đấy được xem như một việc mạo hiểm, đòi hỏi một nghị lực khác thường.

Cũng như đối với các anh em khác, khi ra biệt cư, Ông Bà đã được phụ thân tạo lập cho một sở nhà nằm bên bờ sông Thu Bồn, tại một nơi trông thật uy nghi, hùng .

 

Ông Bà làm ăn rất phát đạt: chỉ trong khoảng hơn 10 năm, Ông Bà không những đã trở thành nhà hào phú bậc nhất ở trong làng mà còn là một trong số những con cháu có sản nghiệp đồ sộ nhất của Ông Quản.

Năm 1923, theo nhu cầu phát triển, Ông Bà đã kiến thiết thêm một nhà chứa lúa nữa, và năm sau – 1924 – Ông Bà xây cất một nhà lầu (1), một công trình vĩ đại ở một nơi núi non hiểm trở như vùng Trung Phước lúc bấy giờ.

Ông Bà đã lần lượt sinh hạ thêm 4 trai, 4 gái và 2 ấu vong.

Tháng 06 năm 1932, trưởng nam của Ông Bà, Ông Bùi Kiến Tín, thi đỗ Tú tài toàn phần, vinh qui bái tổ rất linh đình. Tháng 02 năm 1935, Ông Tín được học bổng du học Y khoa Bác sĩ ở Pháp. Ông Bà làm ăn giàu có, con cái đỗ đạt cao, nên mọi người đều khen ngợi.

 

Cũng năm 1932, sau khi sinh người con gái út, Bà thọ bệnh. Mặc dù Bà được đưa ra tận Huế và Hà Nội để chữa trị, nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng, khó bề qua khỏi. Để tránh cảnh dì ghẻ con chồng sau nầy, bà con nội ngoại đều khuyên Ông xin Nhạc mẫu cho cưới cô em vợ nhũ danh PHAN THỊ THƠ  làm kế thất vào năm 1935.

Bà chánh thất suy yếu dần và mất ngày 19 tháng 11 năm B. Tý (1937), thọ 45 tuổi.

Bà kế thất đã lần lượt sinh hạ được 3 trai, 2 gái và 3 ấu vong (2).

Các con cái phòng đích lẫn phòng kế của Ông đều làm ăn thịnh đạt hoặc học hành thành tài cả.

 

Cuối năm 1945, Ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Vận động kháng chiến quận Quế Sơn và về sau Ông được cử làm Chủ tịch Hội Liên Việt tỉnh Quảng Nam.

Trong thời kỳ chiến tranh, sau mỗi lần phi cơ oanh tạc gây tổn thất cho đồng bào, Ông đều đứng ra tổ chức cứu trợ, giúp đỡ tích cực các gia đình lâm nạn. Nhưng trớ trêu thay, rạng ngày 19-09-N. Thìn (1952), một tai nạn thảm khốc đã xảy đến cho gia đình Ông: Phi cơ Pháp bay đến thả bom, 3 quả trúng ngay hầm trú ẩn của nhà Ông, gây tử vong cho 18 người, trong đó có vơ chồng Ông và 8 người con cháu trong nhà. Ông thọ 62 tuổi, Bà thọ 41 tuổi, đều cùng các con cháu tử nạn an táng tại xứ Cửa Làng, Trung Phước.

Việc gia đình Ông ngộ nạn đã làm cho bà con và đồng bào địa phương thương tiếc và xúc cảm vô cùng.

 

Ghi chú:

 

(1)   Đứng trên lầu, nhìn quang cảnh núi non trùng điệp trông thật ngoạn mục, nên đã có bài thơ do nữ sĩ Niên Phong đề tặng như sau:

 

Khen ai tô điểm vẽ nên tranh,

Phong cảnh trêu người thú hữu tình.

Phía trước non cao, cao ngất ngất,

Đằng sau sông uốn, uốn quanh quanh.

Trong vườn quế phượng chen cau chuối,

Bên chái tùng thông lẫn quít chanh.

Trên gác xa trông trời bảng lảng,

Vần mây trắng xóa núi xanh xanh.

 

(Trích Bảo Phước lưu tập trang 29)

 

(2)   Bài thơ sau đây vừa nói lên thân thế, sự nghiệp của Ông vừa vận dụng được phương danh của hầu hết những người trong gia đình Ông:

 

BIÊN cương một dãy núi sông,

YẾN oanh THƠ mộng bướm ong dập dìu.

Ruộng vườn tươi tốt phì nhiêu,

Bán buôn TÍN cẩn giữ điều nghĩa nhân.

PHÚ cường THẠNH vượng muôn phần,

VINH quang phúc LỘC một sân QUẾ hòe.

Trường SƠN nam HẢI chở che,

LONG phi phượng vũ đua khoe với đời.

dinh phong NHỰ khắp nơi,

LIỄU MAI cúc TRÚC tứ thời điểm trang.

Hai vai gánh nặng giang san,

Trượng phu chí khí hiên ngang vẫy vùng.

 

(Trích Bảo Phước lưu tập trang 50)

 

 

BÙI BIÊN

 

(xem thêm thông tin trong google: mục từ “Bùi Biên”).

 

Tên:                  Bùi Biên

Quê quán:         Duy Hoà - Duy Xuyên - Quảng Nam

                        (Vĩnh Trinh - Duy Xuyên - Quảng Nam)

Thời kỳ:            chiến tranh

Năm sinh:         Tân Mão – 1891

Năm mất:          Nhâm Thìn -1952

Tên khác:          Cửu Thứ

 

Tiểu sử

 

Bùi Biên là nhà khẩn hoang, phú hào, tục danh là ông Cửu Thứ, quê làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; sau vào khẩn hoang lập nghiệp tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, nay là xã Quế Trung, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam.

 

Thuở ấy (1915 - 1920) vùng Trung Phước còn hoang vu, dân cư thưa thớt, nên việc vợ chồng trẻ đưa con mọn lên lập nghiệp ở miền hoang vu được xem như một việc mạo hiểm, đòi hỏi một mãnh lực khác thường.

 

Cũng như đối với các anh em khác, khi ra biệt cư ông đã được phụ thân tạo lập cho một sở nhà nằm bên bờ sông Thu Bồn, một nơi rất uy nghi, hùng vĩ.

 

Ông làm ăn rất phát đạt: chỉ trong khoảng hơn 10 năm, ông bà không những đã trở thành nhà hào phú bậc nhất ở trong làng mà còn là một trong số những con cháu của tộc Bùi có sản nghiệp đồ sộ nhất.

 

Năm 1923, theo nhu cầu phát triển, ông bà đã kiến thiết thêm một nhà chứa lúa, và năm sau 1924 ông bà lại xây cất một nhà lầu và một công trình khang trang lớn ở vùng núi non hiểm trở như ở Trung Phước lúc bấy giơ

 

Tháng 6 năm 1932, trưởng nam của ông bà, ông Bùi Kiến Tín thi đỗ Tú tài, vinh qui bái tổ rất linh đình. Tháng 2 năm 1935, ông Tín được học bổng du học Y khoa Bác sĩ ở Pháp. Ông bà làm ăn giàu có, con cái đỗ đạt cao, nên mọi người đều khen ngợi.

 

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông tham gia và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp ở địa phương.

 

Cuối năm 1945, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Vận động kháng chiến huyện Quế Sơn và về sau ông được cử làm Chủ tịch hội Liên Việt tỉnh Quảng Nam.

 

Trong thời chiến tranh, sau mỗi lần phi cơ Pháp oanh tạc gây tổn thất cho đồng bào, ông đều đứng ra tổ chức cứu trợ, giúp đỡ tích cực các gia đình lâm nạn. Nhưng trớ trêu thay, rạng ngày 19 tháng 9 Nhâm Thìn (1952), một tai nạn thảm khốc đã xảy đến cho gia đình ông; máy bay Pháp khủng bố, thả bom trúng ngay hầm trú ẩn của nhà ông, gây tử  vong cho 18 người trong đó có vợ chồng ông và 8 người con cháu trong nhà. Ông thọ 62 tuổi, bà thọ 41 tuổi, đều cùng các con cháu tử nạn an táng tại xứ Cửa Làng, Trung Phước.

 

Việc gia đình ông ngộ nạn đã làm cho bà con và đồng bào địa phương thương tiếc và vô cùng xúc cảm.

 

Ngôi nhà ông cất trên đồi cao nhìn quang cảnh núi non trùng điệp trông thật ngoạn mục, nên đã có người đề vịnh:

 

Khen ai tô điểm vẽ nên tranh,

Phong cảnh trêu người thú hữu tình.

Phía trước non cao, cao ngất ngất.

Đằng sau sông uốn, uốn quanh quanh.

Trong vườn quế phượng chen cau chuối,

Bên chái tùng thông lẫn quít chanh.

Trên gác xa trông trời bảng lảng,

Vầng mây trắng xóa núi xanh xanh.

 

Bài thơ sau đây vừa nói lên thân thế, sự nghiệp của ông vừa vận dụng được phương danh của hầu hết những người trong gia đình ông. (Những chữ in đậm là tên vợ chồng ông và con cháu).

 

Biên cương một dải núi sông,

Yến oanh Thơ mộng bướm ong dập dìu.

Ruộng vườn tươi tốt phì nhiêu,

Bán buôn Tín cẩn giữ điều nghĩa nhân.

Phú cường Thạnh vượng muôn phần,

Vinh quang phúc Lộc một sân Quế hòe.

Trường Sơn Nam Hải chở che.

Long phi phượng vũ đua khoe với đời.

Tư dinh phong Như khắp nơi,

Liễu Mai cúc Trúc tứ thời điểm trang.

Hai vai gánh nặng giang san,

Trượng phu chí khí hiên ngang vẫy vùng.

 

Đời ông có thể là tấm gương sáng đối với những người trẻ có chí tự lập.

 

(Nguồn: Vietgle - Trung tâm tri thức & Cộng đồng học tập Việt Nam)

 

 

 




Lượt truy cập: 520557
Powered by EasyVN