Trang chủ
Tự giới thiệu
Ban Quản-Trị Hội
Thông báo hoạt động Hội
Thông báo Hội Viên
Gia-phả
Sưu- tầm&tổng-hợp
Hình ảnh sinh hoạt tại Làng TB
Hình ảnh Sinh-hoạt
Diễn đàn Góp Ý

HỘI THUẬN BÀI TƯƠNG TẾ

NHỮNG NGƯỜI VINH DANH LÀNG THUẬN BÀI
BACK
                   Ông:  TRẦN MẠNH ĐÀN - Ông quan huyện vì dân
         Đất Thuận Bài châu Bố Chánh có một vị quan huyện sống vì dân. Dân gian nói: Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ. Trái lại ông quan huyện Trần Mạnh Đàn không chăm chỉ ngồi công đường để xử kiện, mà lại cặm cụi nghiên cứu sức của gió chế ra máy bơm để tưới ruộng, cặm cụi chế ra máy kéo sợi bông vải, cặm cụi làm thuyền máy chân vịt chạy bằng quay tay... cho người dân sử dụng để bớt nhọc nhằn. Thế nhưng dân trí thời ấy mấy ai tiếp thu, áp dụng được.

          Ông quan huyện Trần Mạnh Đàn, một người con dòng họ Trần,
Danh gia vọng tộc ở đất Thuận Bài thuộc châu Bố Chánh ngày xưa. Một họ Trần theo gia phả truyền lại có 9 vị quận công (trong đó có quốc công), một bà Hoàng hậu, một cung phi và hàng chục vị có tước hầu, bá, tử... Tổ tiên họ Trần Thuận Bài nguyên quán xã Tức Mạc, phủ Thiên Trường, xứ Nam Sơn Hạ (Nam Định) chạy trốn vào phương Nam để tránh truy diệt của nhà Hồ. Ông sinh ra trên mảnh đất cuối nguồn Linh Giang sơn thuỷ hữu tình đã bồi đắp tâm hồn thi cảm cùng với sự trau dồi nơi cửa Khổng sân Trình để ông giỏi làm thơ từ thời thiếu thời.

         Bước vào đường quan trường không chỉ là một ông quan mẫn cán, mà ông còn đi đây đi đó. Ông đã trải qua nhiều phủ huyện trong cả nước: làm Tri huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình), Can Lộc (Hà Tĩnh), Mộ Đức (Quảng Ngãi), Cam Lộ (Quảng Trị), Hương Thuỷ (Thừa Thiên) và độc nhất một lần thăng Tri phủ Hoằng Hoá (Thanh Hoá). Với cái chức vị cao nhất trong cuộc đời ông cũng vỏn vẹn mấy tháng thôi vì dám chống lại quan bảo hộ công sứ Thanh Hoá, rồi huyền chức về làm một nhân viên Thư viện Huế, đến năm 1933 ông về hưu!.

         Những cuộc đi của ông là để ông tìm hiểu thực tế cuộc sống người dân, tìm tòi, học hỏi, phát minh những cái lợi cho dân. Ông đi đến đâu là có thơ đến đó. Thơ chính là những trang nhật ký của ông .Mới nhận chức một năm, đầu xuân Kỷ Mùi (1919) ông đã có thơ chúc Tết nhân dân huyện Tuyên Hoá:
Mừng rỡ thiều quang gặp tiết xuân Ngỏ lời chúc Tết với nhân dân Rượu trà cờ bạc nên chừa  bớt Trộm cắp tham lam phải bỏ dần Tổng lý chăm làm, toan lợi nước Trẻ con gắng học để thành thân Nếu ai cũng được như lời chúc Ngọn đuốc văn minh sẽ đỏ dần.
         Lời chúc của một ông quan đến với dân như một lời khuyên của cha đối với con: bớt cờ bạc, rượu trà, bỏ trộm cắp, tham lam, lo làm, lo học... là điều mong muốn của ông quan huyện nhằm mục đích
Ngọn đuốc văn minh sẽ đỏ dần“. Và đấy cũng chính là niềm tin của ông Trần Mạnh Đàn!

         Ông là con người biết nhìn xa trông rộng, ngay ở một huyện đèo heo hút gió Tuyên Hoá thời ấy, ông khuyên:

Tứ dân một hạt thiếu nghề thương Quyền lợi bao giờ đặng khuếch trương  Nên xuất tiền ra lập phố phường...


         Lúc về nhậm chức huyện Can Lộc, là một huyện miền núi, việc đi lại khó khăn, ông mong
...đường sá ước ao càng mở rộng và cần thấy ...đường thêm lắm nẻo chửa lưu thông.

         Về huyện Mộ Đức, có nghề thủ công truyền thống là trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, ông vừa khuyến khích vừa khuyên dân bản địa phải học hỏi để nâng cao chất lượng mặt hàng địa phương
: Sô nhiễu mỗi hàng riêng một kiểu Bông hoa trăm thức khó muôn vàn Hà Thành phong phú thua La Cả Miền Quảng giàu sang nhượng Bảo An Mỹ thuật nghề này nên học lấy Chớ nên thấy khó vội từ nan...

          An dân là việc tối trọng của quan chức sở tại. Nhân chuyến hành hạt qua một làng tên Cải Lương, nhưng nhân dân trong làng thì xích mích, mất đoàn kết, ông có bài thơ khuyên bảo như sau:

          Cải Lương hai chữ đáng tôn sùng Xét thấy làng ta vẫn tiếng không Xóm Giáp rình mò xô xóm Ất Thôn Tây tập lập hại thôn Đông Chỉ chăm tranh cạnh ba xâu thịt Nào có văn minh một mảy lòng Muốn được tên làng cho xứng đáng Lòng tư nên đổi lại lòng công!

          Ông viết nhiều về thể loại này, theo di cảo của gia đình còn lưu lại, trong tập thơ có tựa đề Thuận Giang Thi tập có 88 bài thơ và cũng là nhật ký 88 lần ông hành hạt trong mấy năm quan trường.

          Trần Mạnh Đàn để lại một trước tác khá đồ sộ, phong phú với nhiều thể loại, nhiều chủ đề: địa dư, cách trí, toán pháp, công nghệ, ngôn ngữ, địa chí, Hán văn khoa bảng, khảo cổ, phong tục... kể cả kịch cùng với một loạt sách dịch từ Hán văn sang Việt văn. Một công trình mà nhiều Nhà nghiên cứu Văn hoá đang băn khoăn vì không tìm ra bản thảo là cuốn Tuyên Hoá huyện chí (cùng với Can Lộc huyện chí) bằng thơ.

          Một cựu tri huyện, một sĩ phu Nho học trước khi qua đời (1949) Trần Mạnh Đàn đã gửi một niềm tin:
...Huống nay cách mạng nhiều thay đổi/ Văn hoá ngày càng mạnh tiến lên.
(Nguồn: Quảng Bình ẩn tích thời gian Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình 2008)


Lượt truy cập: 59320
Powered by EasyVN - A free personal website provider