Trang chủ
Tự giới thiệu
Ban Quản-Trị Hội
Thông báo hoạt động Hội
Thông báo Hội Viên
Gia-phả
Sưu- tầm&tổng-hợp
Hình ảnh sinh hoạt tại Làng TB
Hình ảnh Sinh-hoạt
Diễn đàn Góp Ý

HỘI THUẬN BÀI TƯƠNG TẾ

NHỮNG NGƯỜI VINH DANH LÀNG THUẬN BÀI
BACK
MỆ CHOÀNG   (Tác giả của câu nói nổi tiếng thời chống Mỹ )
Xe chưa qua nhà không tiếc

Nhà báo
Nguyễn quang Vinh
         Đáng ra tôi đã đến gặp mệ Choàng sớm hơn, nhưng người ta lại thông báo mệ đã mất. Thì cũng không thể không tin vì mệ đang vào tuổi 99. Mới rồi, gặp một anh bạn thân, anh ấy cam đoan là mệ Choàng vẫn sống, vẫn chống gậy đi lại, vẫn nói chuyện, vẫn hát, vẫn nhớ vanh vách những ký ức thời chiến tranh. Tôi hối hả lên xe về với mệ, về để nghe mệ kể chuyện chiến tranh, về để gặp cho được một người đàn bà quá đỗi bình thường, một người đã đem sức lực, của cải góp cho tổ quốc chống giặc, là tác giả của câu nói nổi tiếng cả nước: Xe chưa qua nhà không tiếc.
          Có vẻ như nhận ra tiếng xe máy của khách xa đến, mệ Choàng chống gậy lần bước ra sân. Nắng chiều, bóng mệ cùng cây gậy mệ chống đổ dài ra tới chân ruộng lúa, hắt bóng sang cả miệng một hố bom cũ. Tôi vồn vã chào mệ. Mệ kêu đứa con gái út đã ngoài 60 tuổi mang cái khăn ra cho mệ vấn đầu.

         - Trời nắng nóng thế này, mệ vấn khăn lên đầu làm chi?

         - Răng lại không vấn? Tóc mệ không còn dài nữa, để cái đầu trọc thế ni mà chụp ảnh cho xấu mặt à? Tui biết chú đến chụp ảnh tui. Tui ưng ảnh đẹp.

         - Răng mệ sống thọ rứa mệ? Theo năm sinh trong chứng minh thư thì mệ đã 99 tuổi rồi, mệ có biết là mệ đã 99 tuổi không?

         Mệ Choàng cười nho nhỏ, rồi bàn tay mệ cầm gậy khuơ khuơ về phía tôi: Bây chừ còn chi để lo nữa mà không thọ. Hồi còn thằng Pháp, thằng Mỹ, lo nhiều lắm. Mệ là cán bộ phụ nữ, nơi đây bom đạn mù trời, mệ lo xe bộ đội tắc đường, lo cứu chữa thương binh, lo kho gạo cháy, lo bộ đội hết cái ăn... Đêm mô cũng không ngủ được, cứ ra ra vô vô bến phà Gianh suốt. Chừ hoà bình rồi, không lo chi, rứa thì sống thôi.
          Chị Trần Thị Bích, con gái út của mệ Choàng thay mẹ kể cho tôi nghe sự ra đời của câu nói nổi tiếng: Xe chưa qua nhà không tiếc.

          - Hồi nớ vào năm 1968, khu vực làng Thuận Bài sát phà sông Gianh này là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Bao nhiêu bom đạn chúng nó dồn thả xuống làng tui hết. Làng tui vừa sát bến phà Gianh, vừa có bến đò ngang, có trạm trung chuyển gạo, có đường quốc lộ 1A xuyên qua, rồi rất nhiều những đơn vị pháo
của bộ đội, cả trạm xá tiền phương... Hôm nớ, sau khi máy bay Mỹ quần đảo đánh phá một ngày, đường xuống phà bị bom Mỹ phá nát. Lại chuẩn bị cho giờ xe xuất phát. Thanh niên xung phong đã dùng đất, đá lấp hố bom nhưng vì hố bom sâu, xe đi qua lại sụt lún. Mẹ tui khi đó ở Hội Phụ nữ xã. Cả ngày mẹ tui đứng ngồi không yên, lo đường tắc, buổi tối đó còn mấy chục xe chở đạn pháo sẽ không có đường xuống phà. Mẹ tui về nhà, gọi mấy anh em bầy tui lại, tuyên bố: Chừ mẹ tính như ri, các con hãy ủng hộ mẹ. Không còn cách mô nữa, phải tháo hết nhà mình đang ở, lát đường cho xe qua hố bom thôi. Chậm giờ nào nguy hiểm giờ đó. Còn người còn của. Hoà bình rồi, mẹ con mình sẽ làm lại nhà, lo chi. Mẹ tui nói rồi hô dân quân vô tháo nhà. Ai cũng nhớn nhác nhìn mẹ. Mẹ hét: Còn đứng chi nữa, tháo hết nhà tui ra mà lấp vào hố bom cho xe qua chớ. Xe chưa qua thì nhà mình cũng không được tiếc. Mần đi!. Mà không chỉ là nhà đâu chú ạ. Nhà tui ngày đó nuôi được con lợn, con gà nào là mẹ tui sai bọn tui mang hết ra cho các đơn vị bộ đội. Đêm đêm, khi từng đoàn xe xuống phà, mẹ tui gánh hai thùng nước chè xanh, ngồi bên đường, ngồi dưới ánh pháo sáng, cứ thấy xe bộ đội đi qua là mẹ vẫy nón, cho nước uống. Tui nhớ một chú lái xe sau khi uống nước và cầm của mẹ mấy củ khoai luộc, ôm mẹ khóc: Mẹ ơi, con vô chiến trường đây. Nếu còn sống, khi trở ra Bắc, nhất định con sẽ ghé thăm mẹ. Thành tích phục vụ chiến đấu của mẹ tui thì kể không hết được. Hồi kho gạo của bộ đội bị trúng bom, một mình mẹ tui ra bới đống gạo bị cháy ấy, dùng sàng để sàng gạo còn tốt, gửi lại cho bộ đội, mẹ tui sàng hàng chục đêm như rứa anh ạ. Vì phục vụ chiến đấu tốt, mẹ tui được thưởng huân chương, bằng khen. Mẹ tui nói, trên đời này, mẹ thương nhất là mấy chú bộ đội.

          Đột nhiên mệ Choàng ngắt lời con gái: Có nghe mệ hát không?. Tôi không hiểu. Chị Bích cười: Là vì mẹ tui tự làm một bài hát, hát cho bộ đội, cho bà con nghe, bài hát kiểu như là cách để mẹ tui giải thích vì răng mẹ tui lại tháo nhà lát đường cho xe bộ đội qua. Anh ưng nghe, mẹ tui hát cho.

          Tôi gật đầu. Mệ Choàng đung đưa cả thân người trên ghế và hát. Tiếng mệ vẫn còn nghe rất rõ, từng từ một, thậm chí mệ vẫn còn sức ngân nga theo điệu kể vè, và khuôn mặt mệ khi ấy sao mà xúc cảm đến thế.

          - Nghe hí. Chú đến đây chưa nghe mệ hát là mệ chưa cho về mô. Mệ hát này: Hôm nay tôi đứng trước toàn dân/ Hy sinh cống hiến một phần máu xương/Tôi đây không có máu xương/ Có hai con lợn đập tường đưa ra/ Dân quân vô tháo băng nhà/Đưa ra bến gạo bắc đà xe qua/ Chở súng chở đạn đưa ra chiến trường/ Thằng Mỹ bạc ác tinh ma/ Đến đây ăn cướp dân ta đuổi về...

          Chị Bích cười: Nghe nôm na rứa thôi chớ tui biết bài thơ vè này mẹ tui đã đi diễn xướng không biết là bao nhiều lần, đến mô cũng được các anh bộ đội vỗ tay nhiệt tình lắm đó. Mệ Choàng nghe con gái khoe cũng móm mém cười.

         Tôi đã từng nghe anh Võ Xuân Khuể - Anh hùng LLVTND, thời chiến tranh lái ca nô cảm tử ở bến phà Gianh, hiện nay là trạm trưởng trạm thu phí cầu Gianh - kể: Hồi nớ, ngày mô tui cũng gặp mẹ Choàng. Mỗi lần tui qua được một lần cảm tử, mệ lại kêu tui vô nhà cho cốc rượu, khen tui giỏi rồi lại động viên tui cảm tử tiếp để phá thuỷ lôi trên sông nhằm thông bến, thông cầu. Tôi được phong Anh hùng nhưng với tôi, mệ Choàng còn anh hùng gấp nhiều lần. Riêng chuyện mệ sống thọ đến 99 tuổi như hôm nay, vẫn minh mẫn, vẫn nhắc đến anh em tui, vẫn nhớ tên các anh bộ đội ngày ấy đã là anh hùng lắm rồi.

          Còn trung tá Phan Văn Sừng - một chuyên viên viết sử của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình - ca ngợi: Mệ Choàng thường băng qua lửa đạn, tay cắp rổ khoai, khoác thêm túi vải, kim chỉ, đến tận từng chiến hào, từng ụ pháo của bộ đội, cho bộ đội nước uống, củ khoai luộc, vá may áo quần, khâu lại vải ngụy trang... Bom đạn rền rền như vậy nhưng mệ Choàng cứ đi băng băng. Lạ nhất là mệ chưa lần nào bị thương hết. Mệ là anh hùng của chúng tôi.

          Mệ Choàng chợt hỏi: Rứa thằng Luyến, thằng Thường, thằng Thành có về chơi không? Ngày nớ, mấy đứa ni ăn khoẻ lắm mà bắn máy bay tài lắm.

          Thế là mệ vẫn không quên ai. Những chiến sĩ bộ đội của các quân binh chủng từng đóng quân ở bến phà Gianh đều biết mệ Choàng. Năm ngoái, anh Thành - nguyên là chiến sĩ hải quân sông Gianh - lặn lội từ Nghệ An vào thăm mệ, ở với mệ năm sáu ngày, hàng ngày anh cho mệ ăn, tắm gội, trò chuyện với mệ. Anh nói, mệ Choàng không chỉ là người mẹ của các anh, hơn thế nữa, giữa những ngày bom rơi đạn nổ, có mệ bên cạnh, các anh lại càng vững tin, chắc tay súng bắn trả máy bay Mỹ.

          Mệ Choàng khoe: Tui lấy chồng năm 18 tuổi, chồng tui khi đó 15 tuổi, rứa mà vẫn đẻ được con. Trong làng trêu chị em, kệ, chị - em thì... vẫn đẻ con đó thôi, đẻ một lèo 7 đứa. Đến con Bích đây, đứa út, được ba tháng thì ông ấy bị bom chết. Một tay tui nuôi 7 đứa con. Nuôi trong hầm, trong bom, cực khổ lắm, có khi con tui thèm cơm, thèm thịt, nhưng có gạo, có thịt là tui mang cho bộ đội hết. Tui thọ à? Mắt tui nhìn không thấy chi nữa. Chân bước phải chống gậy. Mà số tui rủi ro. Răng lại rủi ro? Là vì khi cầu Gianh mần xong thì mắt tui mờ, không nhìn thấy cây cầu. Tui cứ nhắn mấy đứa làm cầu vô nhà tui cho con lợn, mừng lắm, có cầu rồi mừng lắm. Tui chưa thấy muốn chết. Bảy đứa con của tui còn sống cả đó, thằng con cả đã 81 tuổi rồi, tui có cháu, có chắt, có chiu chút nữa rồi, có cả thảy đến 81 đứa cháu, vui rứa chết mần chi?...

         Chị Bích bảo: Mỗi ngày mẹ tui uống một lon nước tăng lực. Buổi sáng bà ăn một gói mì cháo. Sau đó thì uống một cốc càphê hoà tan. Bà nghiện càphê hoà tan. Răng bà còn tốt, vẫn còn nhai mía được. Hai bữa cơm bà chỉ ăn rất ít. Bà sống rất sạch sẽ. Cách đây mấy năm , bà còn giúp được việc nhà. Bà không đau ốm chi hết. Đôi khi kêu đau lưng chút thôi. Bao năm qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội một thời chiến đấu ở phà Gianh, nay số đã làm chức to, số về hưu, đến thăm bà nhiều lắm. Bà nhớ hết. Bà nhớ thật tài.

          Mệ Choàng lại chen vào: Mệ thì nói xe chưa qua nhà không tiếc. Rứa mà sau đó mấy đứa thanh niên xung phong còn thêm vô: đường không thông không tiếc máu xương. Vần hè? Hay đó. Thơ ca viết chi cũng được, mần răng mà thông đường là được thôi con ạ. Nhớ chưa? Thôi cho mệ vô nhà, mệ mệt rồi. Có hỏi chi nữa không?.

          Tôi nhìn dáng mệ Choàng bước vào nhà, từng bước một, chậm rãi và tự tin, như suốt đời mệ, 99 tuổi đời, mệ vẫn đi trên con đường làng mình, qua hai cuộc kháng chiến với biết bao công lao và sự đóng góp hết sức mình cho tổ quốc . . . .
Nguồn (LĐ số 82 Ngày 23.03.2003 Cập nhật: 09:38:48 - 24.03.2003)
BACK

Lượt truy cập: 59323
Powered by EasyVN - A free personal website provider