Trang chủ
Tự giới thiệu
Ban Quản-Trị Hội
Thông báo hoạt động Hội
Thông báo Hội Viên
Gia-phả
Sưu- tầm&tổng-hợp
Hình ảnh sinh hoạt tại Làng TB
Hình ảnh Sinh-hoạt
Diễn đàn Góp Ý

HỘI THUẬN BÀI TƯƠNG TẾ


LŨY CHÚA TRỊNH TẠI THUẬN BÀI TAN NÁT SAU CHINH CHIẾN
BACK
         Lời mở đầu : Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn xảy ra giữa thế kỷ 17 đã đi vào lịch sử.  Tất cả những nhân vật chủ chốt, những sự kiện, những công trình phục vụ cho cuộc chiến ấy đã được nói đến.  Duy còn một chiến lũy chưa thấy ai nhắc nhớ một cách rõ ràng và riêng biệt, Đó là chiến lũy Chúa Trịnh ở làng Thuận Bài thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay.
    
         Bài khảo luận nầy có mục đích nói về chiến lũy ấy trong bối cảnh lịch sử cuộc phân tranh Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn, đặc biệt là cuộc chiến 45 năm, mà Sông Gianh, vùng Bắc Bố Chính, Nam Bố Chính là chiến trường ác liệt giữa hai thế lực chính trị thời đó.
    
         Chúng tôi cần sự bổ khuyết của các bậc thức gỉa để một sự thật lịch sử, vốn chìm sâu trong quên lãng, được soi sáng rõ ràng đúng vị trí của nó trong lịch sử.
   
         Nếu không có bài thơ ăn cỗ đầu người của Nguyễn Biểu thì thật khó để biết được khí phách của một nhất phẩm đại thần, đóng vai nhà ngoại giao, phục vụ dưới triều vua Trần Qúy Khoách (1403-1413), là vị vua cuối cùng của nhà Hậu Trần.
    
         Ngự sử quan Nguyễn Biểu qủa là một biểu tượng xứng đáng và cần thiết cho ý chí bất khuất của dân tộc Đại Việt.  Ngược lại, một con người nham hiểm như Trương Phụ, rõ ràng đã nói lên ý đồ xâm lược của nhà Minh. Trong thái độ thách thức ý chí can trường, bất khuất của dân tộc Đại Việt, Trương Phụ không ngờ đã kỳ phùng địch thủ, và bài thơ ăn cỗ đầu người của nhà ngoại giao Nguyễn Biểu đã trở thành một bản tường trình thời sự khá lý thú khi vận nước đang đi vào thời điểm phải một mất một còn giữa kẻ thù và sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc (1).
    
         Qủa thật, có nhiều lúc nhà thơ cũng là một sử gia. Bởi vì rất khách quan, trong thơ của họ đã chuyên tải nhiều sự kiện lịch sử, mà chính người viết sử (sử quan) đã vô tình hay cố ý bỏ quên.
   
         Chúng tôi được biết, thi hào Nguyễn Du, vào thời gian ông giữ chức Cai Bạ tỉnh Quảng Bình (1809-1813), đã viết bài thơ Độ Linh Giang (Qua Sông Gianh) trong tập Nam Hành Tạp Ngâm, trong đó thi hào có nhắc đến một chiến lũy ở vùng Sông Gianh. Nhưng không phải chỉ có một mình thi hào Nguyễn Du mà thôi. Đã có năm bảy nhà thơ nổi tiếng khác, đồng thời với Nguyễn Du trong thế kỷ 18 và 19 cũng đã đề cập đến một chiến lũy ở Bắc Bố Chính, tức vùng non nước từ Hoành Sơn (Đèo Ngang) đến bờ bắc  Sông Gianh. Một chiến lũy - nói rõ hơn là một chiến lũy của Chúa Trịnh đã đi vào thơ văn và lịch sử.  Thế mà tuyệt nhiên chính sử không nhắc tới, kể cả trong sách sử hiện đại. Càng sai sót hơn nữa khi có một số nhà biên khảo văn học đã đi theo bước đường sử quan triều Nguyễn đã đi, đã giải thích và ghi chú những câu thơ có nói về chiến lũy của Chúa Trịnh ở bờ bắc Sông Gianh lại cho rằng đó là lũy Chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong.
     
         Đây không phải là lần thứ nhất một chiến lũy của Chúa Trịnh được nhắc đến. Càng không phải là một phát hiện lịch sử mới mẻ.  Bài viết căn cứ trên những gì đã có trong lịch sử, trong thơ văn. Bằng vào chứng từ của thi nhân, và cả tính khách quan nơi những thi nhân lỗi lạc, để chứng minh một sự thật lịch sử chưa từng được nói đến một cách riêng rẽ và rõ ràng. Sự thật ấy chính là có một chiến lũy của Chúa Trịnh ở bờ bắc Sông Gianh. Chiến lũy ấy hiện còn di tích tại làng Thuận Bài, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Để mở đầu, chúng tôi xin được trở lại chiến trường Sông Gianh-Quảng Bình thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1672) với bài thơ của thi hào Nguyễn Du, có nguyên văn bằng chữ Hán và bản dịch thơ của thi sĩ Quách Tấn :
ĐỘ LINH GIANG

Bình sa tận xứ thủy thiên phù
Hạo hạo yên ba cổ độ thu
Nhất vọng tân nhai thông cự hải
Lịch triều cương giới tại trung lưu
Tam quân cự bích phi hoàng diệp
Bách chiến tàn hài ngọa lục vu
Bắc thượng thổ dân mạc tương tị
Trấp niên tiền thị ngã dồng chu.


QUA SÔNG GIANH

Ngoài bãi xa nước trời lồng lộng,
Bến đò xưa khói sóng ngời thu.
vời trông tận mặt biển sâu,
Cõi chia nam bắc khởi đầu từ đây.
Xưa bách chiến lấp đầy cỏ nội
Lũy ba quân lá đổ tà huy,
Cách bờ chớ ngại nhau chi
Ba mươi năm trước cũng thì đồng châu.
    I.     Lũy Chúa Trịnh  

           1. Một chiến lũy không có trong sử sách  

           Sử triều nguyễn khi nói đến cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn chỉ thấy chép công trình xây thành đắp lũy lớn lao của Chúa Nguyễn như lũy Trường Dục, lũy Động Hãi, lũy Trấn Ninh, lũy Trường Sa, lũy An Náu...mà không hề thấy chép một bức lũy nào của họ Trịnh ở vùng bờ bắc Sông Gianh. Các nhà sử học sau nầy như Léopard Cadière (Le mur de Dong Hoi),Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược), Phan Khoang (Việt Sử Xứ Đàng Trong)...cũng không nói tới một bức lũy nào như vậy trên trận tuyến nầy. Thế mà tại làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay, hiện còn di tích một bức lũy của Chúa Trịnh ở khu vực cửa khẩu Hói Tre. Lũy nầy bắt đầu từ Hói Tre, ven bờ bắc hạ lưu Sông Gianh đến Cồn Ngựa và cồn Bụi Bờm (rong làng Thuận Bài) dài khoảng một cây số. Đầu lũy, ngay cửa khẩu Hói Tre, còn có một cái cồn có nền đất cao được nhân dân địa phương gọi là cồn Thân Tý và khẳng định đó là di tích đồn binh của Chúa Trịnh. Theo các cụ cao niên trong làng Thuận Bài Chúa Trịnh đã xây dựng lũy nầy từ đầu cuộc chiến tranh xảy ra để bảo vệ cái gọi là cuống họng của con kênh nhà Lê từ sông Di Luân về Hói Tre, nhập lưu với Sông Gianh, cách cửa Sông Gianh khoảng 3 cây số. Toàn bộ bức lũy không dài, nhưng là một phòng tuyến tốt giữa Hói Tre và đoạn Sông Gianh mà làng Thuận Bài hiện đang tọa lạc. Người Thuận Bài cho rằng nơi đây, thời Chúa Trịnh là một trong ba cái đồn chủ chốt trên đất Bắc Bố Chính : Đồn Di Luân, đồn Trung Ái và đồn Thuận Bài. Theo họ, danh từ BA ĐỒN phát sinh là do ba căn cứ quân sự nầy, tạo ra cái thế ỷ giốc trên toàn bộ trận địa bắc Sông Gianh.

           Sau khi khảo sát tại chỗ di tích bức lũy nầy, chúng tôi  (Nguyễn Hoài Nhơn và Nguyễn Tú) đến Trung Thuần (nay thuộc xã Quảng Lưu) để tìm hiểu về cái Đại Đồn chủ yếu giữ sự điều khiển thế ỷ giốc này, thì được các bậc bô lão cao niên ở đây cho biết : Trung Ái ngày xưa (còn gọi là Thuần Thần) tức Trung Thuần ngày nay, không chỉ là một đồn binh mà chính đây là đại bản doanh, là sở chỉ huy tiền phương của Chúa Trịnh tại phía bắc Sông Gianh. Trung Thuần còn là nơi đóng quân của đề đốc Lê Trực thời Cần Vương chống Pháp.
  
         Trên đây là lời tường thuật của hai Ông Nguyễn Hoài Nhơn và Nguyễn Tú thấy được trong mục Hương sắc mọi miền đất nước của tờ báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày thứ Bảy, 17 tháng 12, 1994.
 
         Từ nội dung lời tường thuật của nhà báo, chúng tôi nhận thấy ba điểm căn bản sau đây cần được thảo luận trên qui mô lịch sử :
           a. Tái khẳng định có một lũy Chúa Trịnh ở phía bắc Sông Gianh.
           b. Có thể giải quyết một nghi vấn lịch sử : Tại sao lũy Chúa Trịnh không được nhắc đến trong sử sách.
           c. Cần nêu lên một gỉa thuyết về niên đại xây cất lũy Chúa Trịnh trong thời gian chiến tranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong (1627 - 1672).

         2.   Một chiến lũy được nhiều nhà thơ nổi tiếng nhắc đến  
 Chúng tôi gọi sự phát hiện một bức lũy của Chúa Trịnh ở bờ bắc Sông Gianh là sự tái khẳng định một sự kiện lịch sử, vì thấy các chứng nhân thời đại, tức các nhà thơ Việt Nam, đã làm công tác truyền thông lịch sử, khi họ có nhắc đến chiến lũy nầy trong thi phẩm của họ. Tính theo niên kỷ từ gần đến xa đối với năm 1672 là năm chấm dứt cuộc chiến với tình thế bất phân thắng bại giữa hai họ Trịnh Nguyễn, chúng ta thấy những  chứng nhân lịch sử sau đây rất đáng chú ý :

         Phạm Nguyễn Du (1740-1786) với bài thơ Đồ Gian Ngẩu Ký   (Ngẩu nhiên ghi lại cảnh đi đường).

         Phạm Nguyễn Du còn có tên là Vĩ Khiêm, hiệu là Thạch Động và Dưỡng Hiên, quê làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An, đậu Hoàng Giáp dưới triều Lê Cảnh Hưng. Ông làm quan đến chức Đốc Đồng, theo Hoàng Ngũ Phúc vào đánh Thuận Hóa năm 1775 và ở lại giúp việc chính trị cho họ Hoàng một thời gian. Ông là tác gỉa các tập thơ Thạch Động Tiên Sinh Thi Tập, Đốc sử Sĩ Tướng, Đoạn Trường Lục, Nam Hành Ký Đắc Tập.  Bài thơ Đồ Gian Ngẩu Ký trích từ Nam Hành Ký Đắc Tập, nguyên văn như sau:
Nẳng yết doanh liêu thủ lộ qua
Tả tần đại hải hữu tần hà
Đê mê cựu lũy dư thanh thảo
Thác lạc tàn lư ỷ bạch sa
Cổ đạo phong cao hoàn cát thiểu
Hoang đình nhật mộ khốc thanh đa
Hướng thùy đắc họa Ô Châu địa
Khước ngoại cơ dân bất họa tha.


Vũ Đình Liên dịch thơ :

Dừng chân doanh trại tiện đường qua
Trái biển, mặt sông khoảng chẳng xa
Lũy cũ cỏ xanh đây mấy lớp
Lều tranh cát trắng đó vài nhà
Đường xưa gío rét người xơ xác
Đình vắng chiều tà tiếng xót xa
Vẽ cảnh Ô Châu ai đang vẽ
Ngoài dân nghèo đói rặt xương da .
b. Bùi Dương Lịch : Không rõ năm sinh và năm mất, chỉ biết ông là người làng Yên Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ An, đậu đình nguyên tiến sĩ năm 1787 ở Thăng Long. Khi quân Tây Sơn ra Bắc, ông chạy về Thuận Hóa.  Năm 1791, vua Quang Trung mời ông ra giúp việc biên soạn sách vở ở Sùng Chính Điện cùng với Nguyễn Thiếp.  Gia Long lên ngôi, ông giữ chức Đốc Học Tỉnh Nghệ An. Ông là tác gỉa tập thơ Ốc Lậu Thoại (lời nói trong nhà trống) bằng chữ Hán. Bài thơ Đại Linh Giang có lẽ đã được ông sáng tác khi đi qua những dấu tích lịch sử ở phía nam Hoành Sơn, mà một chiến lũy, một dòng sông cũng đủ cho nhà thơ ngậm ngùi nhớ lại cảnh một thời đất nước điêu linh :
Phù sinh sơ độ Đại Linh Giang
Sa tích mang tương hải lãng chàng
Nam Bắc tống giai ngô vũ trụ
Sơn xuyên hề hoạch thử gia bang
Bách niên sách lũy cơ mưu tận
Lưỡng địa y quan tục lễ bàng
Phân hợp công thùy đàm đề sự
Điếu thuyền ẩn ẩn bạng hoành giang .

               
Nguyễn Xuân Bách dịch thơ :

Đời ta rày mới vượt Linh Giang
Cát đá lô nhô sóng dập dềnh
Nam Bắc cũng đều chung một cõi
Núi sông sao nỡ xẻ đôi tình
Cơ mưu chia cắt trăm năm đứt
Lễ tục hòa tan một khối thành
Chia hợp cùng ai bày tỏ nỗi
Thuyền câu thấp thoáng lướt bên ghềnh.
         c. Phạm Qúy Thích (1760 - 1825) : Có tên tự là Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ, người xã Hòa Đường, tỉnh Hải Dương, đậu tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), làm quan giữ chức Thiêm Sai Tri Công Phiên. Gia Long lên ngôi, ông được bổ làm đốc học, được ít lâu thì xin từ chức.  Gia Long năm thứ 10, ông được triệu vào kinh giữ chức sử quan, sau ông cáo bệnh về ẩn cư, dạy học ở quê nhà. Phạm Qúy Thích là tác gỉa các tập thơ chữ Hán như Thảo Đường Thi Tập, Lập Trai Văn Tập, Nam Hành Tập. Bài thơ Quá Hoành Sơn (Vượt Đèo Ngang) được trích từ Nam Hành Tập, có nguyên văn như sau :
Bạch sa mạc mạc bạch vân phù
Bích thụ trùng trùng bích hải lưu
Bách chiến quan hà dư cổ lũy
Thập phần yên cảnh nhập tân thu
Diễn Hoan giới chỉ Thần Đầu dịch
Trực lệ doanh thôn Bố Chính châu
Thùy liệu Nam Bắc phân hợp ý
Y  y nhất bộ nhất hồi đầu.


Nguyễn Bách Bộ dịch thơ :

Cát trắng phau phau mây trắng bay
Cây xanh bát ngát biển xanh dầy
Lũy xưa trăm trận bờ lưu lại
Thu mới mười phần cảnh đổi thay
Đất trải Thần Đầu Hoan Diễn rộng
Doanh ôm Trực Lệ Bố Chính châu
Bắc Nam ai hiểu điều phân hợp
Mỗi bước xa rời mặt mỗi quay .
         Sau ba nhà thơ trên đây là thi hào Nguyễn Du với bài thơ Độ Linh Giang như đã thấy ở phần đầu, mà câu thơ Tam quân cự bích phi hoàng diệp (lũy cũ của ba quân nay lá vàng bay) là một xác nhận khách quan về một chiến lũy của Chúa Trịnh ở bờ bắc Sông Gianh.  Ngoài ra, cũng cần kể thêm các chứng nhân khác, như nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1828-1870) với bài thơ Hoành Sơn, viết theo thể ngũ ngôn mà chúng tôi mượn một câu làm đầu đề cho bài viết nầy :
Chiến dư tàn lũy tại
Xuân tận đoạn gìa ai
(Lũy nát sau chinh chiến,
Xuân tàn kèn thêm buồn)
         Và Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871) với bài Quá Hoành Sơn hữu cảm (Cảm xúc khi qua Đèo Ngang) với câu thơ :
Chiến lũy dĩ tàn lưu cổ tích
(Chiến lũy đã tàn nay chỉ còn dấu vết c) (2).
         3. Một chiến lũy (vô tình hay hữu ý) bị bỏ quên

         Các thi nhân với những sáng tác của họ như vừa thấy trên đây, đã làm xong một công việc mà họ muốm làm, đó là ghi nhận khách quan một di tích lịch sử như nột sự kiện cụ thể. Di tích lịch sử ấy có một vị trí nhất định trong không gian. Vị trí ấy chính là bờ bắc Sông Gianh, mà bất cứ ai (vào thời ấy) cũng có thể nhận ra rõ ràng mỗi khi có dịp đi qua vùng Bắc Bố Chính.

         Theo một chi tiết của sử gia Léopard Cadière, thì từ Đèo Ngang đến bờ bắc Sông Gianh có chiều dài theo đường chim bay là 28 cây số. Từ đình Đèo Ngang, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng đất nước phía nam Đèo Ngang và nhận ra từng thôn làng, từng nhánh sông, từng bến đò, từng nơi họp chợ, từng mô đất cao...Đây cũng là nhận xét sau nầy của các ông Nguyễn Hoài Nhơn - Nguyễn Tú : trước mặt là đầm lầy, ruộng sâu, sông ngòi, luồng lạch thông suốt đến kê Từ hòn núi Bái Vọng Sơn, còn gọi là núi Cột Cờ của Chúa Trịnh ở Trung Thuần, có bề cao hơn mực nước biển khoảng 100 mét, có thể nhìn bao quát được cả vùng đông bắc, đông nam huyện Quảng Trach cho đến tận nuí Đá Nhảy - Lý Hòa bên kia bờ nam Sông Gianh. Đứng ở đây người ta thấy Trung Thuần như một lòng chảo ba bề núi bọc, giữa là đồng bằng, trước mặt là đầm lầy, ruộng sâu, sông ngòi, luồng lạch thông suốt đến kênh nhà Lê nối với Hói Tre mà Chợ Cổng đón các đường giao thông thủy bộ vào Trung Thuần như một cái cửa ngỏ trọng yếu của vùng lòng chảo. Có lẽ do vị trí nầy mà chợ Cổng ngày nay vẫn còn mang dấu ấn lịch sử về khu vực đại bản doanh của Chúa Trịnh.

          Cũng từ trên đỉnh cao của hòn Bái Vọng (núi Cột Cờ) mà có thể nhận xét rằng cái lạch Hói Tre bé nhỏ còn lại ở Thuận Bài - cùng với cái chiến lũy ở gần đó - có quan hệ về mặt chiến lược đối với trận tuyến Sông Gianh, cũng như đối với cửa biển Sông Gianh thời Trịnh Nguyễn phân tranh( 3 ).

         Đến đây thiết tưởng không ai còn nghi ngờ gì nữa về một chiến lũy của Chúa Trịnh mà di tích còn thấy được ở làng Thuận Bài, ít ra là từ sau năm 1672 cho đến ngày nay. Một di tích lịch sử, hay đúng hơn là một sự thật lịch sử mang dấu ấn của một thế lực chính trị, chủ động cuộc nội chiến ròng rả 45 năm mà hậu qủa là chia đôi đất nưóc ra làm hai phần, Đàng Ngoài phân biệt với Đàng Trong, thế mà bức chiến lũy lừng danh một thời của họ, nay đang lặng lẽ nép mình bên dòng Sông Gianh, khuất lấp giữa cỏ lau và bụi thời gian, cùng với sự vô tình hay cố ý của những người viết lịch sử từ trước tới nay. Vậy thì thử nêu lên một câu hỏi rằng : Khi có một sự kiện cụ thể như lũy Chúa Trịnh ở làng Thuận Bài bên bờ bắc Sông Gianh, và tự chiến lũy ấy là một bằng chứng hùng hồn không thể chối cãi được, lẽ nào người viết sử triều Nguyễn lại bỏ quên? Lẽ nào người chú thích văn học lại đánh tráo, sang tay cho một chủ nhân khác khi chưa nêu lên một nghi vấn hoặc ít ra có một sự dè dặt phải chăng theo tính tồn nghi của lịch sử ?

         Đối với các sử quan triều Nguyển, câu trả lời có lẽ dễ dàng. Bởi vì theo tính chủ quan của chế độ quân chủ, sơn hà xã tắc thuộc về vua chúa. Nhất thiết, không thể có một công trình của ai khác hiện hữu bên cạnh sự hiện hữu của vương quyền. Nói cách khác, không thể có một lũy Chúa Trịnh hiện hữu trong sách sử, khi đã có các chiến lũy của Chúa Nguyễn như một sự vĩ đại, nằm rải rác từ An Náu (Lý Hòa) qua Nhật Lệ đến Trường Sa...Không thể kể tên một lũy Chúa Trịnh khi công trình của Chúa Nguyễn còn đó. Không thể đặt sự thách thức của Đàng Ngoài trước mặt chủ nhân ông của Đàng Trong, cho dù đã có cái điều hơn cả sự thách thức, là Chúa Trịnh và Đàng Ngoài đã chủ động tấn công Đàng Trong suốt thời gian phân tranh nội chiến! Bởi vậy, việc sử quan triều Nguyễn không nói đến một lũy Chúa Trịnh ở bờ bắc Sông Gianh là một điều dễ hiểu đối với ai đã thực sự hiểu rõ tính chủ quan một chiều của chế độ quân chủ phong kiến. Riêng đối với các nhà biên khảo văn học gần đây, khi chú thích các câu thơ có nói đến một chiến lũy ở bờ bắc Sông Gianh, mà nói là lũy của Chúa Nguyễn thì mới thật sự đáng nghi ngờ.

        Qủa thật, trong một tuyển tập đồ sộ, dày trên 600 trang, mang tựa đề Tuyển Tập Thơ Văn Huế - Bình Trị Thiên do hai giáo sư Trần Thanh Đạm và Hoàng Nhân biên soạn, khi dịch nghĩa bài thơ Độ Linh Giang của thi hào Nguyễn Du, thì câu thơ Tam quân cự bích phi hoàng diệp đã được dịch và chú giải như sau: Lũy của ba quân lá vàng bay khắp. Lũy cũ tức là Lũy Thầy do Đào Duy Từ đắp, nơi nầy thường xảy ra nhiều trận đánh giữa Trịnh Nguyễn (4 ).

         Lời chú dành riêng cho câu thơ Tam quân cự bích phi hoàng diệp xét ra không ổn, nếu không muốn nói người phụ trách dịch và chú giải đã không hiểu nội dung và bố cục của bài thơ. Bài thơ Qua Sông Gianh của thi hào Nguyễn Du, trừ hai câu đầu là phần nhập đề theo thể lung khởi, sáu câu còn lại hầu như chỉ muốn xoay quanh một một hiện trường nhất định : Đó là một chiến lũy, một dòng sông, một chiến trường, một vùng cư dân Bắc Bố Chính. Riêng hai câu kết, tác gỉa muốn chia xẻ tâm tình, như một người bạn, một người đồng châu với dân chúng trong vùng Bắc Bố Chính, một nơi đã từng chịu cảnh tang thương chinh chiến thời Trịnh Nguyễn gieo rắc lầm than, mà vẻ điêu tàn chưa thể xóa mờ trong tâm tưởng cũng như ngoài thực tế của cảnh vật. Một nội dung súc tích và tiềm ẩn trong một bố cục mạch lạc như vậy, thiết tưởng không còn gì rõ ràng hơn nữa để phải có một sự hiểu lầm về một chiến lũy của Đào Duy Từ ở xa hơn 50 cây số về phía nam Sông Gianh. Có mơ hồ chăng là một nỗi lòng, một tâm sự hoài Lê mà tác gỉa chẳng bao giờ muốn bộc lộ rõ rệt, dù bất cứ ở đâu trong các thi phẩm của mình ! Để thấy lại nội dung bài thơ Qua Sông Gianh của Thi hào Nguyễn Du, chúng tôi xin dịch nghĩa bằng văn xuôi như sau :
Cuối bải cát mênh mông, trời nước chập chùng trôi nỗi,
Thu về trên bến cũ, khói sóng man mác vẽ rạng ngời,
Bên bến sông dõi mắt nhìn xa suốt về biển cả,
Và giữa dòng sông nầy là nơi các triều xưa nhận làm biên giới,
Kìa lá vàng đang bay đầy trên chiến lũy của ba quân xưa,
Bên bao hài cốt do hàng trăm trận đánh đã ngã vùi trong cỏ lau hoang vu,
Xin người dân ở bờ bắc dòng sông đừng tị hiềm nhau nữa,
Tôi đây, ba mươi năm trước  vốn đồng xứ với các người.

         Cũng vậy, những câu thơ sau đây là những ghi nhận khách quan về một chiến lũy u hoài giữa chốn hoang liêu, khi nhà thơ Phạm Nguyễn Du vượt Đèo Ngang để vào vùng đất Bắc Bố Chính : Đê mê cựu lũy dư thanh thảo (Lũy cũ cỏ xanh đây mấy lớp); khi Đốc Học Bùi Dương Lịch nhận ra phong tục tập quán của cư dân ở bờ bắc Sông Gianh còn chịu ảnh hưởng thời phân tranh Nam Bắc : Bách niên sách lũy cơ mưu tận, Lưỡng địa y quan tục lễ bàng (Cơ mưu chia cắt trăm năm dứt, Lễ tục hòa chan một khối thành); và quan Thiêm Sai Phạm Qúy Thích thì không lầm lẩn về một chiến lũy còn thấy được ở gần Đèo Ngang với các chiến lũy xa xôi ở vùng Nhật Lệ - Động Hải : Bách chiến quan hà dư cổ lũy, Thập phần yên cảnh nhập tân thu (Lũy xưa trăm trận bờ lưu lại, Thu mới mười phần cảnh đổi thay).

         Có lẽ, hai giáo sư Trần Thanh Đạm và Hoàng Nhân qua Tuyển Tập Thơ Văn Huế - Bình Trị Thiên, khi chú giải bài thơ Qua Sông Gianh của thi hào Nguyễn Du và giải thích các câu thơ vừa trích dẫn trên đây, đã vô tình quên bối cảnh lịch sử Hậu Nam - Bắc phân tranh, quên bãi chiến trường Hoành Sơn - Linh Giang thời Trịnh Nguyễn, và hai giáo sư cũng quên luôn tư duy phong kiến nơi những nhà thơ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 của nền văn học Việt Nam.   Nên biết rằng, mặc dầu mang nặng tinh thần hoài Lê, thi hào Nguyễn Du vẫn không qúa bộc lộ một sự minh xác đích danh về một chiến lũy của Chúa Trịnh. Nhưng chính nhan đề và nội dung bài thơ Qua Sông Gianh là một sự khẳng định có tính lịch sử và địa lý rõ rệt.  Cũng vậy, các nhà thơ Phạm Nguyễn Du, Bùi Dương Lịch, Phạm Qúy Thích, Miên Thẩm, Nguyễn Trường Tộ vẫn không đi ra ngoài khuôn khổ đó. Khuôn khổ tôn phò và kiêng kỵ. Họ không thể minh danh nêu lên một sự kiện lịch sử như một sự xác nhận chủ quan. Tuy nhiên có tôn phò và kiêng kỵ cách nào đi nữa, các nhà thơ vẫn sở hữu một quyền bất khả nhượng, đó là quyền thông tin khách quan thường có trong các thi phẩm. Qua nguồn thông tin khách quan ấy, chúng ta có những tư liệu khá xác đáng, nếu không muốn nói đó là những tư liệu có gía trị làm chứng rất cao bên cạnh những tư liệu của chính sử.  Bởi vậy, nhà biên khảo văn học không nên làm sai lạc môi trường xuất hiện của một bài thơ, của một bản văn;  càng không nên tùy tiện gán vào đó một sự kiện chưa được kiểm chứng để làm sai lạc nội dung của bài thơ, của một bản văn mà thật sự nó muốn diễn tả.

         Tóm lại, có thể không sợ sai lầm khi nói rằng, các nhà thơ trên đây với những bài thơ đã được dùng để dẫn chứng, không đề cập đến một chiến lũy nào khác ngoài chiến lũy của Chúa Trịnh mà họ đã thấy được ở vùng Bắc Bố Chính, trên đoạn đường từ Đèo Ngang đến bờ bắc Sông Gianh. Nói rõ hơn, đó là chiến lũy của Chúa Trịnh ở làng Thuận Bài, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình như một thi nhân hiện đại, quê quán tại Thuận Bài đã vô tình xác nhận qua mấy câu thơ sau đây :
Bàng Lộng, Hói Tre và Lũy Trịnh
Bến Vạn đò chiều vắng cố nhân
Sóng nước Linh Giang còn nhớ bạn
Sớm chiều bơi lội dưới giang tân.

(Thương Tùng Trần Trọng Diên, 1914-1984)
    ll. Thử Xác Định Niên Đại Lũy Chúa Trịnh ở Thuận Bài  

         Trong một cuộc chiến tranh cổ điển thì thành hào, chiến lũy, đồn bót, doanh trại là những vấn đề sinh tử của quân đội. Chính nhờ vào sự kiên cố của chiến lũy mà quân đội họ Nguyễn ở Đàng Trong đã cầm chân được sáu cuộc tấn công vũ bão của quân lực Đàng Ngoài.  Do sáu lần cố thủ thành công của Đàng Trong, chiến lũy tự nó đã nói lên gía trị chiến lược rất quan trọng trong một cuộc chiến tranh phòng thủ.  

         Ai cũng biết, cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn kéo dài trong 45 năm giữa thế kỷ 17 là một cuộc chiến tranh cổ điển. Phần thắng bại tùy thuộc vào việc lấy được đất đai, triệt hạ được thành trì, san bằng được chiến lũy, làm thiệt mạng quân sĩ, bắt sống được nhiều ít tù binh.  Bởi vậy, để nhận diện được hình thái cuộc chiến Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn, tưởng cùng cần nhìn lại thế thủ và thế công. Nói cách khác, cần nhìn lại các chiến lũy của Chúa Nguyễn để từ đó có thể hiểu được lý do tại sao và lúc nào có một chiến lũy của Chúa Trịnh xuất hiện ở Thuận Bài ? Việc có một chiến lũy ở Thuận Bài trong bối cảnh một cuộc chiến mà họ Trịnh hầu như luôn luôn ở thế tấn công, có phải là một một sự kiện đặc biệt không? Chúng tôi cố gắng dẫn chứng sử liệu để đi đến một gỉa thuyết trước khi xác định một niên đại khả dĩ chấp nhận được theo quan điểm của sử học. Nhưng trước hết hãy trở lại với các chiến lũy của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.


         1. Thế thủ kiên trì của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong

         Thế thủ của Chúa Nguyễn và Đàng Trong nằm trên các chiến lũy từ phá Hạc Hải ở phía nam ra tới núi Châu Thị thuộc xã Phước Lộc, huyện Bố Trạch ở phía bắc, nếu lấy lũy Động Hải ở bên bờ sông Nhật Lệ làm trung tâm.

         a. Lũy Trường Dục : Là một trường thành bằng đất, bắt đầu từ làng Trường Dục dưới chân núi Trường Sơn chạy tới phá Hạc Hải. Lũy nầy dài khoảng trên dưới 11 cây số (2,500 trượng), có nơi cao tới 3 mét, chân lũy rộng từ 6 đến 8 mét.  Lũy khởi công xây năm 1630 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên do Lộc Khê Hầu Đáo Duy Từ chỉ đạo.  Lũy Trường Dục còn có tên là Lũy Hồi Văn vì kiến trúc theo hình chữ Dĩ lồng trong chữ Hồi. Lũy Trường Dục đã góp phần tạo nên chiến thắng năm Mậu Tý, 1648, khi quân Chúa Trịnh mở cuộc tấn công quyết liệt, nhưng hai cha con Tri châu Bố Chính là Trương Phúc Phấn và Trương Phúc Hùng kiên trì cố thủ; quân Trịnh đánh mãi không hạ được thành, nên đã gọi ông Tri châu Bố Chính là Phấn Cố Trì. Do đó, về sau trong các tài liệu sách sử, ngoài tên gọi là lũy Trường Dục, Lũy Hồi Văn, còn có tên khác gọi là lũy Phấn cố trì là cũng một chiến lũy nầy vậy.

         b. Lũy Động Hải : Cách lũy Trường Dục 20 cây số về phía bắc, chạy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đầu Mâu, dài trên 12 cây số (3,000 trượng), cũng gọi tên là lũy Nhật Lệ vì nằm bên tả ngạn sông nầy. Lũy được hoàn thành trong thời gian từ tháng 9 - 1630 đến mùa đông năm 1631 do Đào Duy Từ đốc xuất hoàn thành sau khi đã mở trận tấn công chiếm châu Nam Bố Chính trong tay quan quân của Chúa Trịnh (5). Bởi vậy, tên gọi là Lũy Thầy chính là để chỉ vào lũy nầy. Ngoài ra, các sử gia như Lê Qúy Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục  gọi là lũy Động Hồi, Cadière trong Le mur de Dong Hoi gọi là lũy Ông Hồi, còn dân gian quen gọi là Lũy Đầu Mâu, Chính Lũy, Trường Thành, Trường Lũy hay đời vua Thiệu Trị cải danh là Định Bắc Trường Thành cũng là chỉ vào một chiến lũy Động Hải. Do tính cách hiểm trở và kiên cố của lũy nầy mà dân chúng đã truyền miệng các câu nói:
Thứ nhất thì sợ Lũy Thầy
Thứ nhì sợ đầm lầy Võ Xá.

Hoặc :

Có tài vượt nổi Sông Gianh
Dẫu thêm hai cánh Trường thành khó bay !
         c. Lũy Trường Sa : Là một lũy cát chạy dài từ Động Hải đến giáp Cửa Tùng, Quảng Trị do Đốc Chiến Nguyễn Hữu Dật cho đắp lên đầu năm 1634. Thật ra đây là một động cát thiên nhiên chạy dọc bờ biển,  mà núi Sao Cát ở phía hữu ngạn cửa sông Nhật Lệ là đỉnh cao nhất. Tướng Nguyễn Hữu Dật lợi dụng địa thế sẳn có, chỉ cho đắp thêm những đoạn thấp nối thành một chiến lũy dài, để một mặt bảo vệ lũy Động Hải ở mạn bắc, một mặt giữ an ninh mặt biển, phòng khi quân Chúa Trịnh không vào cửa Nhật Lệ mà thọc sâu mũi tấn công vào phía nam trên đoạn bờ biển Nhật Lệ - Cửa Tùng. Quả thật, trong sáu lần bị tấn công, lũy Trường Sa đã đóng vai trò án ngữ tích cực cho hai lũy Trường Dục và Động Hải khi thủy quân Chúa Trịnh mưu toan chẻ đôi lực lượng Chúa Nguyễn để mong đạt chiến thắng trong năm Mậu Tý, 1648.

         d. Lũy An Náu (cũng gọi là An Niệu) : Là một lũy đắp bằng đất ở phần bắc của châu Nam Bố Chính. Khi Chúa Nguyễn Phúc Tần ra lệnh rút đồn phòng thủ về phía nam, thì địa điểm ở xã Phước Lộc đã được lựa chọn. Tướng Nguyễn Hữu Dật cho đắp một lũy đất chạy từ bờ biển thuộc làng An Náu đến núi Châu Thị để củng cố sự phòng thủ ở vùng cực bắc. Lũy An Náu có nhiệm vụ bảo vệ một số phòng đồn của quân đội ở gần đó, đồng thời là tiền đồn cho cả lực luợng và chiến lũy ở phía nam. Trên lũy An Náu có dựng một pháo đài cao để bắn súng làm tín hiệu bằng hỏa pháo mỗi khi có tin quân của Chúa Trịnh vượt Sông Gianh. Lũy hoàn thành trong năm 1661, sau khi Chúa Nguyễn và Đàng Trong đã xua đại quân đánh ra Bắc, chiếm được bảy huyện ở mạn nam Nghệ An và làm chủ tình hình suốt sáu năm, từ năm 1655 đến năm 1660.

         Ngoài bốn hệ thống phòng thủ nói trên, được coi là bốn phòng tuyến chính mà Trường Dục và Nhật Lệ (Động Hải) là do công của Đào Duy Từ, Trường Sa và An Náu là do Nguyễn Hữu Dật chỉ đạo, còn có một chiến lũy nữa được nhắc tên gọi là lũy Trấn Ninh, nói là xây năm 1662. Thật ra, đây không phải là công trình xây cất một lũy mới, cho bằng có một đoạn cuối của lũy Nhật Lệ ở gần làng Trấn Ninh được tu sữa lại trong năm 1662. Sử gia Léopard Cadière trong Le Mur de Dong Hoi đã có lý khi nói rằng: Năm 1662...tướng Hữu Tiến và Hữu Dật xin Hiền Vương bổ sung thêm những công sự phòng thủ ở gần cửa sông Nhật Lệ. Bởi vậy bên bờ tả ngạn, người ta xây thêm lũy Trấn Ninh...Cũng cần thấy đây là một công sự phụ thêm ở góc phía đông của chiến lũy cũ xây năm 1631, và nó phải bao vòng quanh làng Trấn Ninh ở gần lũy nơi góc phía bắc (6).

         Khi nhắc lại vị trí, niên đại và người chỉ đạo kiến trúc những chiến lũy của Chúa Nguyễn, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến thế phòng thủ của Đàng Trong, đồng thời kiểm điểm lại từng vị trí các chiến lũy ấy như một xác minh đối với lịch sử rằng : Không có một chiến lũy nào thuộc về kế hoạch phòng thủ của Chúa Nguyễn ở xa hơn về phía bắc chiến lũy An Náu, cho dù vùng lãnh thổ từ An Náu đến Sông Gianh, hay đúng hơn, từ đạo Quảng Nam đến Hoành Sơn vốn thuộc quyền cai trị hợp pháp của Chúa Nguyễn. Đàng khác, xét về mặt phòng thủ,Sông Gianh và Đèo Ngang có tính chiến lược phòng thủ rất cao, nhưng Đàng Trong đã không thiết lập một chiến lũy nào ở gần đó. Có lẽ dưới con mắt chiến lược gia Đào Duy Từ và những danh tướng như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, đã muốn dùng Sông Gianh, Đèo Ngang như những chướng ngại vật thiên nhiên hiểm trở và khủng khiếp đối với quân đội viễn chinh của Chúa Trịnh, bởi vì một khi không đạt chiến thắng trong thế tấn công, bắt buộc quân Chúa Trịnh phải hốt hoảng rút lui trong thế bại binh. Chỉ vậy thôi, Chúa Trịnh đã thật sự nếm mùi cay đắng.

         Đến đây, có thể qủa quyết rằng, chiến lũy còn thấy dấu tích ở làng Thuận Bài bên bờ bắc Sông Gianh, không phải là một công sự phòng thủ của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà rõ ràng đó là một chiến lũy của Chúa Trịnh. Vấn đề còn lại là chiến lũy ấy do ai xây và xây năm nào ?

         2. Thế công mệt mỏi của Chúa Trịnh  

         Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn đã thực sự mở màn khi Nguyễn Hoàng cùng với bộ tham mưu của mình dùng mưu trí để thoát ra ngoài vòng cương tỏa của Trịnh Kiểm bằng việc hạ mình đi nhậm chức Trấn thủ Thuận Hóa năm Mậu Ngọ, 1558, dưới đời vua Lê Anh Tông. Nhưng câu sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm lại mang một nội dung thỏa đáng : Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân (Sau một dãy núi ngang có thể yên thân đến muôn đời), để họ Nguyễn nâng cao quyết tâm trong sứ mệnh bình định và ổn cố vùng đất phía nam Đèo Ngang một khi họ Nguyễn đã thực sự làm chủ được vùng đất biên viễn nầy. Liên tục sau ngày Nguyễn Hoàng mất (1613) đã có những sự kình chống công khai về chủ quyền đất đai, thuế má của hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam mà cuộc đấu trí lịch sử có một không hai đã xảy ra giữa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài và Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong là mồi lửa làm bùng cháy một cuộc chiến vốn đã âm ỉ từ lâu.  Mồi lửa đó đã được khéo léo giấu kín dưới chiếc mâm đồng hai đáy do Tướng thần lại Văn Khuông là sứ gỉa Miền Nam mang ra trình biếu vua Lê và Thanh Vương Trịnh Tráng năm Kỷ Tỵ, 1629.

         Thật ra cuộc đấu trí đã xảy ra hai lần rồi. Đó là năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), khi Binh Khoa Cấp Sự Trung Nguyễn Hữu Bổn mang sắc dụ vua Lê vào Miền Nam đòi nộp thuế từ năm Giáp Tý (1624) trở về sau và đòi Thụy Quận Công phải ra Đông Đô triều yết. Lần kế tiếp, năm 1627, sứ gỉa vua Lê là Lê Đại Nhậm mang sắc dụ khác vào kể công, hỏi tội, vừa đòi nộp thuế và hăm dọa cử binh trừng phạt nếu Đàng Trong không mau chóng tuân hành. Nhưng hai lần nhận sắc dụ, hai lần sứ gỉa Miền Bắc trở về tay không. Điều đáng lưu ý là, với kết qủa như vậy, Trịnh Tráng vẫn chưa muốn tin, nên một lần nữa cử Lại Bộ Thượng Thư Nguyễn Khắc Minh mang sắc phong vào Đàng Trong, tuyên phong Thụy Quận Công Nguyễn Phúc Nguyên làm Tiết Chế Thuận Hóa Quảng Nam Nhị Xứ Thủy Bộ Chư Dinh kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, tước Thái Phó Thụy Quốc Công và đòi Chúa Nguyễn phải tự thân ra Đông Đô để đi dẹp loạn.

         Nhận sắc phong lần nầy, rõ ràng Nguyễn Phúc Nguyên đã nhận một tối hậu thư.  Chuyện giao hảo giữa hai thế lực quyền chúa, cùng thờ một vua, có liên hệ tình thông gia đã thực sự chấm dứt, cạn tàu ráo máng.  Và trong lúc Chúa Sãi còn bối rối, chưa biết phải xử sự cách nào cho đúng thì Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ đã kịp thời dâng lên hai  kế sách : Một mặt củng cố thế lực phòng thủ, cấp tốc đắp chiến lũy để đối phó với các cuộc tấn công; hai là trả lại sắc phong, làm sao cho Trịnh Tráng không thể trở tay kịp khi sứ gỉa đã an toàn trở về Miền Nam. Như vậy, dù luôn luôn mang tính chủ động gây căng thẳng, họ Trịnh xem ra không phải là người châm ngòi mở đầu cuộc nội chiến.  Người châm mồi lửa mở đầu cuộc nội chiến Nam Bắc là họ Nguyễn ở Đàng Trong, mà câu Dư bất thụ sắc (Ta không nhận sắc) chính là cái tim bấc cuối cùng đã bùng cháy và cháy lan rất nhanh !  Đây là lời tường thuật của một sử gia: Văn Khuông bưng mâm đồng đựng vàng lụa dâng lên, Thanh Vương nhận. Nội ngày ấy,Văn khuông lẻn ra cửa kinh đô, do đường biển về Nam. Người Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy làm lạ, tách ra xem thì trong có đạo sắc và một tờ thiếp viết :
Mâu nhi vô dịch ( Chữ mâu không có nách)
Mịch phi kiến tích (Chữ mịch thiếu chữ kiến)
Ái lạc tâm trường (Chữ ái rớt chữ tâm )
Lực lai tương địch (Chữ lực chữ lai đối mặt)
đem trình Thanh Vương (Trịnh Tráng ). Vương hỏi các quan, không ai hiểu là nghĩa gì. Thiếu úy Phùng Khắc Khoan nói: Đó là ẩn ngữ Dư bất thụ sắc (Ta không không nhận sắc). Thanh Vương giận lắm, sai người đuổi theo Văn Khuông, nhưng không kịp nữa (7).

          Cùng nhận xét về biến cố nầy, sử gia Nguyễn Phương đã viết:  Trịnh Tráng tức giận tím cả mặt, nhưng không còn biết trút giận lên ai, vì Văn Khuông đã mất tích.  Cất quân đi đánh tức thì cho hả giận ư ? Không thể được, vì đối phương có thể đến tận nơi để chọc giận thì chắc chắn họ đã trù lợi thế về hậu qủa, hành động nông nỗi rất có thể bị mắc mưu. Và Trịnh Tráng đành ấm ức (8). Cái ấm ức lần nầy xem ra to lớn hơn cái ấm ức mà Trịnh Tráng mới bị tướng Nguyễn Hữu Dật đánh lừa 2 năm trước. Số là năm 1627, khi quân Chúa Trịnh đang công hãm lũy Nhật Lệ của Chúa Nguyễn, bỗng có tin đồn ở Thăng Long anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc đang làm loạn, chiếm phủ liêu, đốt phá kinh thành. Nghe vậy, không cần cân nhắc hư thực, Trịnh Tráng cùng với xa gía vua Lê Thần Tông vội vàng truyền lệnh rút quân về Bắc, tưởng chừng chỉ chậm đi một ngày thì ngôi báu, quyền bính của mình sẽ lọt vào tay người khác ! Trong vòng 3 năm mà Trịnh Tráng đã 2 lần bị họ Nguyễn làm nhục.  Uất ức và nhục nhã đã làm cho Trịnh Tráng không còn sáng suốt để quyết định những việc đại sự. Một cách duy nhất thấy Trịnh Tráng thường làm là dẫn đại quân đi đánh Miền Nam.  Sau năm 1629, Trịnh Tráng liên tiến mở 3 cuộc tấn công, nhưng vẫn không dứt được họ Nguyễn.  Ở thế công, đánh mà không thắng tức là thua. Nhưng cái mệt mỏi nơi thế công của họ Trịnh còn do nhiều yếu tố khác chi phối. Không kể cảnh dẫn đại quân vượt muôn dặm đường, chuyễn binh lương vất vả, chưa nói đến các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa;  điều làm cho họ Trịnh càng ngày càng mệt mỏi là cái bóng mờ của Vua Lê và mưu đồ thoán đoạt ngôi báu không thể thực hiện được, làm cho họ Trịnh khổ tâm dai dẳng suốt thời gian đương đầu với họ Nguyễn ở Miền nam. Thời Trịnh Kiểm, cái bóng mờ của Vua Lê tưởng đã bị xóa khi vua Lê Trung Tông mất (1556) trong cảnh không có con để nối nghiệp. Thành ra câu Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm nói với sứ gỉa họ Trịnh Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản đã phần nào bạch hóa cái ý đồ thoán ngôi nơi Trịnh Kiểm.  

         Qủa thật, lúc bấy giờ Trịnh Kiểm chưa dám ra mặt lộng hành.  Nhưng năm Kỷ Hợi, 1599, khi họ Trịnh đã lên cao trên tột đỉnh quyền uy và danh vọng, mang tước Tổng Quốc Chính Thượng Phụ Bình An Vương, vua ở dưới quyền chúa, triều đình ở dưới phủ liêu, Trịnh Tùng công khai mở đầu một chế độ chuyên chế, đã hai lần ra tay bức tử vua Lê (9). Thế mà, oái oăm thay, cái bóng mờ của vua Lê vẫn tồn tại bên cạnh cái chói chang lộng lẩy của vương phủ họ Trịnh. Phải chăng, họ Trịnh biết rõ, nếu đang tay xoá cái bóng mờ của vua Lê đi thì sự chói chang lộng lẫy của mình cũng tắt ngủm. Không có vua Lê, họ Trịnh không có chính nghĩa, không có quyền hành để thi thố và đàn hạch người khác. Rõ hơn, không có vua Lê, họ Trịnh không thể nhân danh bất cứ cái gì khác để đem quân đi đòi thuế, đi hỏi tội họ Nguyễn ở Miền Nam. Thành ra, dù thâm tâm rất muốn xóa sạch cái bóng mờ ấy đi, Họ Trịnh vẫn không thể thực hiện được tham vọng của mình.  Bởi vậy, bao lâu còn vua Lê, họ Trịnh còn cảm thấy nặng nề và mệt mỏi vì nỗi ấm ức khôn nguôi !

         Mỗi lần đem quân đi đánh họ Nguyễn, bao giờ Chúa Trịnh cũng thỉnh xa gía vua Lê đi theo. Làm như vậy, chẳng qua họ Trịnh muốn mượn chiêu bài phò Lê diệt Nguyễn. Nhưng thật khó hiểu, sáu lần đem đại quân vào Nam, tấn công như vũ bão, họ Trịnh đã không gặt hái được chiến thắng nào đáng kể và dỉ nhiên không thể nhổ được cái gai họ Nguyễn ở Đàng Trong. Tấn công mà không thắng hay không muốn thắng, cả hai vẫn là cái mệt mỏi to lớn mà Chúa Trịnh phải gánh chịu suốt thời gian phân tranh Nam Bắc.

         Trận chiến thứ bảy, cũng là trận chiến cuối cùng xảy ra giữa năm Nhâm Tý, 1672. Bên Nguyễn là Chúa Nguyễn Phúc Tần, bên Trịnh là Chúa Trịnh Tạc. Quân Trịnh ồ ạt vượt Sông Gianh, có Nghi Quốc Công Trịnh Căn làm nguyên soái thủy quân, Thống suất Lê Thời Hiến chỉ huy bộ quân, theo sau là xa gía Tây Vương Trịnh Tạc và vua Lê Gia Tông.  Sau khi hiểu dụ nhân dân hai xứ Thuận Quảng, Chúa Trịnh tung vào mặt trận lực lượng tấn công lớn nhất của mình. Bị bắt buộc ở trong thế thủ, quân Chúa Nguyễn theo chiến thuật của Cai Cơ Tống Đức Minh: Quân Trịnh vào sâu trong đất ta, họ lợi ở sự đánh gấp, vậy ta cứ hào sâu lũy cao giữ mãi cho họ mệt mỏi.  Vã công kích thành là tai vạ của nhà binh, quân Trịnh tiến đánh không được, lương thực đưa đến không tiếp tục, ắt sẽ nhân đêm mà trốn đi, ta thừa thế mà đánh, một hồi trống là có thể phá được (10). Qủa thật, sau hơn 6 tháng bị cầm chân ở Nhật Lệ, hao binh tổn tướng vì những trận phản công của họ Nguyễn, mùa đông năm Ất Tý, 1672, Trịnh Tạc kéo tàn quân qua mạn bắc Sông Gianh, sai Thống Suất Lê Thời Hiến chia một số quân lưu lại giữ châu Bắc Bố Chính, rồi lặng lẽ trở về Đông Đô, bỏ lại sau lưng chiến trường Sông Gianh - Nhật Lệ và giấc mộng phò Lê diệt Nguyễn không thành. Có lẽ cho đến lúc nầy (1672), quân đội họ Trịnh mới thấy được giá trị phòng thủ của các chiến lũy. Để có một bài học giữa thế thủ và thế công, Đàng Ngoài đã phải trả một giá qúa đắt.

         3. Niên đại và nhân vật xây cất lũy Thuận Bài  

Tháng 6 năm Ất Mùi, 1655, một lần duy nhất trong cuộc chiến 45 năm, họ Nguyễn mở cuộc phản công vượt Sông Gianh, vượt Đèo Ngang đánh ra Bắc, chiếm vùng nam Nghệ An, lấy được bảy huyện từ bờ nam Sông Lam trở vào, làm chủ vùng tạm chiếm liên tiếp 6 năm.  Họ Trịnh nao núng. Quân dân Miền Bắc rúng động phập phồng. Trước cảnh giặc đến nhà, Trịnh Tráng huy động toàn lực để đối phó. Ninh Quận Công Trịnh Toàn (có sách viết là Trịnh Tuyền) là con út của Trịnh Tráng cũng phải ra mặt trận bảo vệ mạn bắc Sông Lam. Tại đây, Ninh Quận Công biết hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân nên lòng người thu về một mối. Thấy thế, anh là Trịnh Tạc để tâm nghi ngờ, ngầm sai con mình là Trịnh Căn đem quân theo vào, nói là giúp chú (Trịnh Toàn) trông coi việc quân, nhưng kỳ thực là muốn dòm ngó hành động của Trịnh Toàn.  Điều cần ghi nhận ở đây là, lần thứ nhất và cũng là lần cuối cùng Ninh Quận Công Trịnh Toàn ra khỏi Đông Đô, mà điểm xa nhất là huyện Thiên Lộc ở nam Nghệ An.  Để phòng thủ, Trịnh Toàn cho đắp một cái lũy. Trong vòng hai năm cầm quân ở đó, Trịnh toàn đụng độ với quân Chúa Nguyễn nhiều lần, có một lần gặt được chiến thắng nhỏ ở Đại Nại, huyện Thạch Hà. Thường sau mỗi trận đánh, ông cho rút quân về An Trường xa hơn về phía bắc thuộc huyện Hưng Nguyên để cố thủ. Trịnh Căn cũng lui về xã Phù Long gần đó, xây đồn đắp lũy để phòng thân và phòng lúc Trịnh Toàn đổi hướng tấn công.

         Do việc xây đồn đắp lũy nầy mà quan Lại Bộ Tham Tri Hà Tôn Quyền (1799-1839) nhân khi đi ngang qua cái lũy của Ninh Quận Công, có làm một bài thơ nhan đề là Ninh Công Cỗ Lũy. Chắc nhà thơ không lầm về một di tích lịch sử, nhưng do bài thơ Ninh Công Cỗ Lũy mà có người đã nghĩ sai rằng Trên núi Hoành Sơn xưa có lũy đá của Trịnh Ninh. Người đó là Lê Quang Định, soạn gỉa bộ Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí ra đời năm Gia Long thứ 5, 1806. Để rõ về chuyện nầy, cần đọc lại Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Quảng Bình của Thượng Thư Bộ Học Cao Xuân Dục biên soạn.  Sách viết: Xét khi vua Thái Tông năm Đinh Dậu thứ 9 (1657) quân bản triều ta vượt qua núi Hoành Sơn lược định đất bảy huyện ở Nghệ An, thì đại tướng Nguyễn Hữu Tiến hiện đóng đồn ở Hà Trung. Khi ấy tướng ở Bắc là Trịnh Ninh lén xuống Quảng Khuyến đến đào hào đắp lũy để cùng ta phòng thủ, rồi liền bị triệu hồi hạ ngục. Vậy thì Quảng Khuyến là thuộc về huyện hạt Thiên Lộc, còn ở ngoài Hà Trung cách nhau hai ngày đường mới đến Hoành Sơn, thì đâu có sự vượt qua Hoành Sơn đắp lũy ? Đó là sự truyền văn sai lầm, hoặc là nhân theo dấu cũ mà đắp thêm, đây đều chép vào để bị khảo (11)

         Việc nầy, lịch sử có thể chứng minh được khi biết rằng Thanh Vương Trịnh Tráng vừa mất (1657),Trịnh Tạc thay cha lên cầm quyền chúa. Việc đầu tiên Trịnh Tạc thực hiện ngay sau tang lễ của phụ thân là triệu hồi Trịnh Toàn về Đông Đô để hỏi tội, bắt giam, và chẳng bao lâu Trịnh Toàn chết trong ngục. Như trên đã nói, Trịnh Toàn chưa bao giờ đặt chân đến Đèo Ngang, vì thời gian ông phòng thủ ở bờ bắc Sông Lam, quân Chúa Nguyễn kiểm soát toàn vùng nam Nghệ An. Và khi quân Chúa Nguyễn còn đó, thì Trịnh Toàn đã chết thảm dưới tay Trịnh Tạc. Vậy hỏi cách nào, có một cái lũy do Trịnh Toàn xây trên thượng đỉnh Hoành Sơn trong khoảng thời gian 1655 - 1657 ?

         Cái lầm của Lê Quang Định có lẽ không quan trọng, vì đã có sách Đại Nam Nhất Thống Chí sữa lại liền sau đó.  Duy những nhà biên khảo văn học gần đây, đặt lời chú thích về một di tích lịch sử và gán cho một người mà mình chưa biết cội nguồn và thời gian hành xử của họ, thì cái lầm lại tiếp tục xảy ra ! (12). Dù sao, đây là một chiến lũy của Chúa Trịnh. Tưởng chừng nó không có gì liên quan đến một chiến lũy khác ở Thuận Bài. Nhưng nghĩ cho kỹ, đích thực nó là hậu thân của chiến lũy ở Thuận Bài mà những dẫn chứng lịch sử sau đây có thể giúp chúng ta tìm ra niên đại và người chỉ đạo xây cất chiến lũy ở Thuận Bài vậy.

         Sách Thực Lục Tiền Biên kể rằng : Tháng 3 năm Qúy Dậu (1633), Thanh Vương Trịnh Tráng sai Trấn thủ Nghệ An là Trịnh Tạc đem thủy quân đóng ở cửa biển Kỳ La (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) và sai Trịnh Đệ đem bộ binh vượt Đèo Ngang vào đóng đồn ở châu Bắc Bố Chính để chuẩn bị một cuộc Nam chinh. Động binh lần nầy, Chúa Trịnh qúa tin vào Nguyễn Phúc Anh, một người đang bất mãn với Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong vụ cắt cử chức Trấn thủ Quảng Nam. Phúc Anh ngầm hẹn làm nội ứng giúp Trịnh Tráng. Được dịp may hiếm có, Trịnh Tráng rước vua Lê Thần Tông cùng đại quân thủy bộ đi thẳng tới cửa Nhật Lệ.  Sau hơn một tuần uổng công chờ đợi tín hiệu nội ứng của Phúc Anh mà chẳng thấy tăm hơi, quân Trịnh mệt mỏi, lại bị phản công dữ dội, qúa nửa quân số họ Trịnh bị giết. Trịnh Tráng coi như bị mắc lừa, truyền lệnh lui binh về Bắc, chỉ để tướng Nguyễn Khắc Loát ở lại giữ châu Bắc Bố Chính.

          Đến lượt Nguyễn Khắc Loát mưu phản Trịnh về với Nguyễn. Châu Bắc Bố Chính gần mười năm hầu như bỏ ngỏ, đến nỗi quân đội Đàng Trong đã thiết lập được một đồn binh khá kiên cố ở xã Trung Hòa (nay là Mỹ Hòa) gần cửa Sông Gianh. Chính đồn binh nầy đã cầm chân đại quân Chúa Trịnh ở bờ bắc Sông Gianh tại xã An Bài    (nay là Thuận Bài), nơi có Thanh Vương Trịnh Tráng và đoàn xa gía, kỵ binh của vua Lê Thần Tông thiết lập dinh trại và lưu lại đó gần mười tháng trong năm Qúy Mùi, 1643. Nhưng cái đồn binh của Chúa Nguyễn ở xã Trung Hòa chưa phải là lý do để vua Lê và Chúa Trịnh phải dừng lại An Bài lâu như vậy, cho bằng vua Lê và Chúa Trịnh phải nán lại ở đó để chờ 3 thương thuyền của người Hà Lan là Klevet, Nachtegeals và Woeckendy vào cửa Sông Gianh để cùng với quân đội Chúa Trịnh đồng mở cuộc tấn công vào Đàng Trong như lời thương điếm trưởng Bronekhorst đã có thư hứa với Chúa Trịnh (13).  

         Do nhu cầu bảo vệ vua Lê và Chúa Trịnh, đồng thời muốn có chỗ an toàn để hội kiến với Bronekhorst ở bờ bắc Sông Gianh trước khi có thêm thủy quân của người Hà Lan tham chiến, nên dinh lũy dinh Thuận Bài đã được thiết lập giữa mùa xuân năm 1643. Phải chăng, người ra lệnh xây lũy Thuận Bài  là Thanh Vương Trịnh Tráng và người thực hiện công trình ấy là Thái Bảo Trịnh Tạc, khi cả hai đều có mặt ở Thuận Bài trong thời điểm nóng bỏng nầy.  

          Đối với Trịnh Tráng, gần mười tháng chờ đợi Bronekhorst ở Thuận Bài lại là một lầm lẫn khác sau nhiều lầm lẫn mà ông đã mắc phải trên đường đem quân đi đánh Đàng Trong. Đáng buồn hơn cho ông, lần nầy không phải do đối phương sắp đặt, nhưng lần nầy do người Hà Lan ở Phố Hiến mà Bronekhorst là đại diện đã đánh lừa Trịnh Tráng !

         Trở lại với lũy Thuận Bài, chúng tôi dự phỏng niên đại và người chỉ đạo xây đắp như một gỉa thuyết, nhưng thấy rằng, khó mà có một lũy Thuận Bài từ những ngày đầu cuộc chiến xảy ra như lời tường thuật của các ông Nguyễn Hoài Nhơn và Nguyễn Tú.  Bởi vì hai trận đánh đầu của cuộc chiến xảy ra trong các năm 1627 và 1633, Chúa Trịnh lấy thế mạnh từ vua Lê đi hỏi tội họ Nguyễn.  

         Đại quân họ Trịnh ở thế công, vượt Đèo Ngang, vượt Sông Gianh như vũ bão, thì một chiến lũy không cứ là ở đâu trong Bắc Bố Chính đều trở thành vô nghĩa. Như trên đã nói, lũy Thuận Bài sở dĩ có và trở thành quan trọng vì sự quan trọng của vua Lê và Chúa Trịnh hiện diện ở đó một thời gian dài trong năm 1643. Từ sự quan trọng ấy, thủy lộ Hói Tre nối lên kênh Nhà Lê để về sông Di Luân gần cửa Roòn là một thủy lộ chiến lược. Cũng vậy, con đường nối ba trọng điểm Di Luân, Trung Ái và Thuận Bài là một tam giác chiến lược khác, là một con đường sinh tử của quân đội họ Trịnh từ năm 1643, mà sử cũ gọi là Tam Hiệu hay Tam Phiên tức là Ba Đồn sau nầy. Ngoài ra, nếu còn thấy được dấu tích Cồn Ràn, Cồn Ngựa, Cồn Thân Tý nằm sau chiến lũy Thuận Bài, thì rõ ràng kỵ binh của Chúa Trịnh đã được điều động đến Thuận Bài.  Nhưng kỵ binh chỉ dùng để phục vụ cho việc xuất hành của vua Lê và Chúa Trịnh.  Người ta không thấy kỵ binh của Đàng Ngoài xuất hiện trong các trận chiến ở phía nam Sông Gianh.

         Điều đáng nói, có lẽ Chúa Trịnh vì qúa tin vào thế mạnh từ vua Lê, cọng thêm chiến lũy đã thiết lập được sau năm 1643 trên vùng Bắc Bố Chính, nên đã coi thường thế thủ của Chúa Nguyễn. Bởi vậy, trận tấn công năm Mậu Tý, 1648, quân đội Chúa Trịnh đã chuốc lấy một thảm bại chưa từng có. Ngoài hàng vạn quân sĩ Chúa Trịnh bỏ xác ở chiến trường Nhật Lệ - Trường Dục, quân đội Đàng Trong đã bắt sống được hơn ba vạn tù binh, (sau nầy cho phân tán vào đất Quảng Nam đến Phú Yên). Chúa Trịnh nuốt nhục, rút tàn quân về Bắc, để bảy năm sau chịu mất bảy huyện ở vùng nam Nghệ An vào tay hai danh tướng họ Nguyển là Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến. Họ Trịnh từ thế công, bị bó buộc trở về thế thủ. Chiến lũy do Ninh Quận Công xây ở bờ bắc Lam Giang năm 1655 chính là hậu thân của chiến lũy Thuận Bài do Trịnh Tạc xây đầu năm Qúy Mùi,1643 vậy.

         Một điều cũng nên nói ra ở đây đó là Léopard Cadière, một linh mục thừa sai, cũng là một sử gia nổi tiếng. Ông vốn có công rất lớn trong công tác sưu tầm sử liệu, nghiên cứu di tích lịch sử Việt Nam, đặc biệt là ở Quảng Bình. Có thời gian, Linh Mục Cadière là cha xứ họ đạo Mỹ Hòa, cũng gọi là Cựa (tên cũ là Trung Hòa). Vùng Bắc Bố Chính và dọc theo hai bên bờ Sông Gianh đối với ông vừa là địa bàn sinh hoạt tôn giáo vừa là địa bàn nghiên cứu lịch sử địa phương. Thế nhưng, ông đã không nói đến một di tích lịch sử ở Thuận Bài cách chỗ ông ở chưa qúa năm cây số. Một người như sử gia Cadière mà không biết có một chiến lũy ở Thuận Bài, thì làm sao các nhà viết sử như Trần Trọng Kim, như Phan Khoang có tài liệu để mà tham khảo ? Nhưng dù Léopard Cadière không nói đến, không có nghĩa là chiến lũy Thuận Bài không có.

         Chúng tôi cho rằng, do cuộc tấn công qui mô của quân đội Chúa Nguyễn thực hiện trong năm 1655, thì số phận Tam Phiên (Ba Đồn) đã không thể tồn tại được, mặc dầu quân đội Chúa Nguyễn có thể tái xử dụng những cứ điểm quân sự nầy.  Thế nhưng, sau sáu năm làm chủ chiến trường từ Sông Gianh đến bờ nam Sông Lam, quân đội Chúa Nguyễn đã rút về Nam trong năm 1660. Ở lại hay rút lui, chắc chắn những dinh lũy còn xử dụng được của Chúa Trịnh trên vùng Bắc Bố Chính trở ra đến Lam Giang đều bị quân đội Chúa Nguyễn san bằng. Đó là lý do duy nhất để lũy Thuận Bài lu mờ trong cỏ lau và bụi thời gian phủ kín sau cuộc chiến mệt mỏi kéo dài 45 năm mà chưa ai làm chứng rõ ràng việc thắng bại thuộc về chúa Trịnh hay chúa Nguyễn.


                                                                     Hoàng Đình Hiếu



         Chú Thích :

(1) Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Biểu trong Tập san Khai Trí Tiến Đức số 2 & 3, Hà Nội, 1941 tt 3 - 40

(2) Trần Thanh Đạm và Hoàng Nhân, Tuyển Tăp Thơ Văn Huế - Bình Trị Thiên, Nhà Xuất Bản Tp HCM, 1991, tt 102 - 216.

(3) Nguyễn Hoài Nhơn - Nguyễn Tú, Hương Sắc Mọi Miền Đất Nước, Báo Sàigòn Giải Phóng số ra ngày thứ Bảy, 17-2-1994.

(4) Trần Thanh Đạm và Hoàng Nhân, Sđd, tr 172..

(5) Phan Khoang, Việt Sử Xứ Đàng Trong, Nhà Xuất Bản Xuân Thu, Houston, USA, 1976, tt 325-326.

(6) Léopard Cadière, Le  Mur de Dong Hoi, Trong Bulletin de Lécole Francaise dExtrême Orient ( BEFEO ), 1906, ...à la même époque, Hữu Tiến, Hữu Dật demandèrent à Hiền Vương de compléter les travaux de défense de lembouchure du Nhật Lệ.  Sur la rive gauche, on construit le mur de Trấn Ninh ...Nous devons voir ici un ouvrage supplémentaire complétant du côte dEst le Grand Mur en 1631 et qui devait entourer le village actuel Trấn Ninh, du côté Nord.. Nôte # 4, page 140-141.

(7)  Phan Khoang, Sđd, tt 179-183.

(8)  Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng Trịnh-Nguyễn, Huế, 1974, Bản đánh máy, tr 101.

(9)  Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, q ll, Trung Tâm Học Liệu, Sàigòn, 1971,tt 21, 36.

(10) Phan Khoang, Sđd, tr 375.







Lượt truy cập: 59312
Powered by EasyVN - A free personal website provider